Lần này xuống núi tất nhiên không thể mang theo Đại Vương được, Vân Lang dẫn theo hươu sao, men theo con đường nhỏ bí mật, tới nơi y đến thế giới này, đứng trên núi cao có thể nhìn thấy đoàn người ở con đường nhỏ dưới chân núi như đàn kiến.
Những người này đều tới tế bái tổ tiên à?
Câu trả lời của Thái Tể là phủ định.
Ông ta dẫn Đại Vương hộ tống y rời núi, dọc đường lải nhải dặn dò không ngớt, nhưng làm Vân Lang ấm lòng.
Lần nữa dẫm chân lên bình nguyên dưới núi, thần kinh Vân Lang vẫn căng như dây đàn.
Cái búi tóc nhỏ chọc lên trời ít nhiều có ý vô hại, song đó là suy nghĩ của y, đoán chừng đạo phỉ và thợ săn không nghĩ như thế.
Cũng hoảng sợ còn có con hươu sao bên cạnh y, mấy lần nó quay đầu chạy về, không lâu sau Vân Lang phát hiện nó lại lẽo đẽo theo mình. Đoán chừng nó không ngốc, quay về mà không có Vân Lang, với nó còn nguy hiểm hơn con đường phía trước.
Hai con thú nhỏ nương tựa vào nhau cùng nơm nớp đi ra đường lớn.
Khi cái giày da đế mỏng của Vân Lang lần đầu chính thức dẫm lên con đường lớn, đường bằng đất, đất màu vàng, được nện rất chặt, y có cảm giác giống phi hành gia đặt bước đầu tiên xuống mặt trăng, đủ thứ cảm xúc lẫn lộn, song chắc chắn có chút không dám tin, như bước trong giấc mơ.
Nếu người ta phát hiện ra mình là người lạ thì sao? Cách ăn mặc này liệu có phù hợp với thời đại nữa hay không? Vân Lang nơm nớp bước đi trong lo sợ, cũng may là người đi đường chẳng quan tâm tới y, cho dù y dẫn theo con hươu có thai.
Dần dần trái tim Vân Lang dần lắng xuống, chú ý tới những mẩu đối thoại của người xung quanh, không ngờ lời y nghe được nhiều nhất không ngờ là "tiểu lang quân thật đẹp."
Nói y đấy, toàn là giọng nữ truyền ra từ những chiếc xe ngựa, không nhìn thấy người.
Còn về phần bách tính thì kéo ván trượt, hoặc xe lớn ăn mặt chẳng khác gì ăn mày mà nói, một thân trang phục sĩ nhân của Vân Lang với bọn họ mà nói là khác biệt giữa trời và đất, cho dù có một hai thiếu nữ trẻ nhìn Vân Lang một cái, cũng lập tức bị ông lão hoặc bà lão kéo ra sau lưng.
Không có ai đột nhiên cầm đao xông tới chém giết, cũng chẳng thấy ác bá hà hiếp dân lành, chủ đề của người dân đều xung quanh cuộc sống, ai nấy đều tin tưởng năm nay sẽ được mùa lớn, nên tinh thần rất tốt. Khung cảnh cuộc sống thái bình hoàn toàn khác xa tưởng tượng của y, xem ra cái nhìn của mình vì Thái Tể mà lệch lạc không ít. Vân Lang hài lòng, một tay đặt lên cổ con hươu sao, gương mặt tuấn tú mỉm cười như nắng ấm, tự tin thong thả bước về phía trước.
Dần dần khung cảnh hoang dã thay bằng nông điền, thấp thoáng mái nhà tranh, có đại hán mình trần đang vất vả cuốc đất chuẩn bị xuân canh, dù bên đường người qua lại tập nập nhộn nhịp cũng không để ý.
Chỉ là người trong ruộng ấy, nam thì gầy đen, nữ thì khô quắt, chẳng có gì đẹp đẽ để nhìn, bọn họ là cung nô.
Lao động là đẹp đẽ, Vân Lang thời còn đi học từng được dạy như thế, nhưng mà ở đây nhìn cảnh lao động kia y không thể có bất kỳ liên hệ nào với cái đẹp cả.
Vừa đi vừa ngáo ngơ nhìn cái này ngó cái khác thấm thoắt đã tới giờ ăn trưa, rất nhiều người ngồi ở bên đường, ăn một cái thứ đen xì xì mà Vân Lang không rõ là cái gì.
Nhìn từ bề ngoài thì y đoán là kê nấu chín sau đó nặn chặt lại, rồi phơi làm lương khô, chỉ là bên trong có nhiều thứ hình sợi vàng vàng, làm y không đoán ra.
Đem so ra, à không chẳng cách nào so với cơm trưa của Vân Lang, con hươu sao cõng một cái túi da, bên trong chứa rất nhiều thức ăn.
Một suất cơm rang rau dại, một miếng thịt lợn nguội, hai cái bánh bột trắng trẻo, một bầu rượu, trong mắt bách tính mặt đen, một tiểu lang quân quý tộc không phô trương, hiện ra một cách sinh động.
Thực ra người ăn mặc như Vân Lang tuyệt đối không ít, còn nhiều người ăn mang sang trọng hơn y nhiều.
Có thể vào đình cỏ nghỉ ngơi ăn cơm thì cơ bản đều bộ dạng như vậy, bách tính tự giác ngồi bên đường.
Bên cạnh Vân Lang có một tên béo thân hình cực lớn, thức ăn lấy ra còn khoa trương hơn Vân Lang gấp bội, bắt mắt nhất là tên này bày nửa con dê nước trên bàn nhai nuốt.
Kỳ thực Vân Lang rất muốn giao tế một phen, bất kể là ai ở trên núi nửa năm trời, chỉ tiếp xúc với ông già quái dị thích tâm sự với người chết hơn người sống, đều rất muốn tìm một người bình thường trò chuyện. Chí ít có thể trong giao lưu phán đoán được trí tuệ của những người này, để tiện sau này chung sống vui vẻ.
Tới lúc này vẫn chưa tìm được đối tượng thích hợp, hơn nữa có chút cảm giác bài xích, vì sao thế? Phải chăng cho rằng mình là người hiện đại, ở trên tầm bọn họ, bất tri bất giác tự phân giai cấp rồi?
Vân Lang đặt đồ ăn lên tấm vải gai, y không có bàn thấp, nên đành quỳ trên vải, ăn từng miếng một, thực sự làm được, ăn không ra tiếng, nhai không lộ răng.
Thế là khung cảnh liền trở nên thú vị rồi, một bên là tên béo đeo vàng đeo bạc, một bên là thiếu niên đẹp đẽ, một ăn uống thô tục không chịu nổi, một thì mang đầy sự ưu nhã quý tộc.
Ai nhìn cảnh này cũng ném cho tên béo ánh mắt căm ghét, song đầy thiện ý với Vân Lang.
Đó chính là hiệu quả mà Vân Lang muốn, ngồi ăn một mình dù có phong thái tới đâu cũng chẳng mấy ai chú ý, nhưng nếu như bên cạnh có một vật tham chiếu đối lập, biểu hiện của y lập tức được nâng cao thêm ba bậc.
Vân Lang chia số thức ăn của mình ra một phần, cho vào trong cái hộp gỗ nhỏ, đặt ngoài đình cỏ, mỉm cười vẫy tay với một đứa bé năm sáu tuổi đang nỗ lực giúp cha đẩy xe, chỉ chỉ hộp thức ăn rồi ngồi xuống tiếp tục ăn.
Nếu ở thế giới của mình mà y dám làm như thế, đoán chừng vô số người xông tới đạp vào mặt tới bà Vân cũng chẳng nhận ra y, Vân Lang cũng đang bị chính hành vi của mình làm buồn nôn không thôi.
Nhưng mà ở nơi này thì khác, một chàng thiếu niên anh tuần nhìn thấy một đứa bé hiếu thuận, cho ít phần thưởng, là hành vi sĩ nhân đạo đức.
Đứa bé rụt rè, phụ thân đẩy mấy lần mới chạy tới ôm lấy cái hộp, khi nó ôm cái hộp quỳ xuống lạy tạ, Vân Lang mặt đỏ bừng bừng, cố nén tỏ ra ung dung không chú ý.
Bộ dạng của y khiến cho những sĩ nhân khác cười rộ lên, song không hề có ác ý, đơn thuần là thấy tiểu lang quân da mặt mỏng, thú vị thôi.