Hắn nhìn thư sinh mình gặp cả lần này là lần thứ ba trước mặt, không khỏi nhớ tới lần mới quen ở cấm địa phía sau núi của Tiên Phù tông, lại nhớ tới lần gặp lại thứ hai, đối phương đã xem mình thành bằng hữu, Trần Cảnh chỉ muốn giấu mặt đi mà chạy.
- Lần đầu tiên ta gặp ngươi, ngươi tặng ta một lá bùa Ẩn Thân. Lần thứ hai gặp ngươi, ta đang gặp nguy hiểm, là ngươi đã cứu ta. Lần thứ ba là ta mang đến cho ngươi phần xương cốt ngươi bị rơi mất trong núi, khi đó ta muốn ngươi sống cho mạnh khỏe, sau đó sẽ tu luyện pháp thuật, trở lại giết ngươi. Nhưng rồi suy nghĩ hồi lâu, ta cảm thấy thực ra ngươi đã chết đi một lần rồi, mạng sống của ngươi đã tiêu tán ở Quả Long pha, ngươi hiện giờ là do Diệp Thanh Tuyết trao cho sinh mạng mới. Hôm nay ta tới đây là muốn mời ngươi uống một vò Túy Tiên Mộng, thực hiện lời mời năm đó của ta. Kẻ thù của ngươi rất nhiều, ta sợ về sau không có cơ hội nữa.
Trần Cảnh nhìn thư sinh, đảo mắt đã mười năm trôi qua rồi, gương mặt này đã thành thục hơn nhiều. Hắn nhớ rõ lần gặp thứ hai năm đó, người trước mặt này ngồi bên đống lửa, nét mặt rạng rỡ. Dù đã phải đi bộ rất lâu ở trong núi, lại gặp phải rất nhiều nguy hiểm khiến vạt áo rách nát cả, hình tượng chật vật không chịu nổi, nhưng tất cả đều không thể nào che đi được vẻ rạng rỡ của thư sinh này. Mà bây giờ, sự hào sảng ấy đã lắng xuống, thay bằng sự thành thục và khoan dung. Nhiều năm ma luyện không làm người này trở thành một kẻ chìm vào báo thù rửa hận, mà lại khiến tư tưởng của y thăng hoa đến một độ cao người thường khó mà vươn tới được.
- Lời nguyền ác mộng vong hồn trên người ta càng ngày càng nặng, chẳng qua hiện giờ ta vẫn có thể dùng tín ngưỡng nhang đèn để áp chế, khiến nó tiếp tục ngủ say. Nếu có một ngày ta cảm giác mình không còn khả năng ngăn chặn nó nữa, ta sẽ tự cắt đầu mình, chôn sâu xuống dưới đất. Tới lúc đó, chỉ mong ngươi có thể tới đây, tiễn đưa ta bằng một vò rượu.
Trần Cảnh nghiêm túc nói.
Triệu Ngọc Bạch cười cười, nói:
- Ta sẽ ở núi Thanh Khâu lấy Túy Tiên Mộng tế ngươi.
- Còn hôm nay ta tới đây, một là vì sợ ngươi không qua được cửa ải này, hai là để tự cởi khúc mắc trong lòng của cả ngươi và ta, ba là muốn đón Ngọc Nghiên đưa về.
Trần Cảnh hiểu Ngọc Nghiên mà y nói chính là cô gái vẫn không ngừng đào xới bên ngoài thần miếu kia. Hắn nghĩ một chút, đáp:
- Ngươi để nàng ở lại đi, nếu ngươi đưa nàng về, nàng sẽ hận ngươi cả đời, rất có khả năng nhập vào ma chướng. Hiện giờ nàng đã rơi vào trong chấp niệm, chỉ cần hơi sơ sẩy là sẽ trở thành điên, cứ để nàng ở lại đi, không sao đâu.
Triệu Ngọc Bạch thở dài:
- Ta phải đưa muội ấy về, ta nghe người ta nói, dù là ai, nếu trong lòng oán hận đập thần miếu hay tượng thần, thì đều như là quất roi thẳng vào người vị thần đó. Ngươi không cần phải dùng cách này để giảm bớt sự áy náy trong lòng.
- Năm ngoái, muội ấy mắng ta một trận dữ dội, sau đó bỏ chạy đi, ta biết muội ấy nhất định sẽ chạy tới đây.
Triệu Ngọc Bạch nhìn Triệu Ngọc Nghiên vẫn chưa từng dừng việc đào đất ở bên ngoài, đi tới bên cạnh nàng, dán một lá bùa lên người nàng. Triệu Ngọc Nghiên lập tức nhũn người ra, ngã vào lòng Triệu Ngọc Bạch. Triệu Ngọc Bạch ôm lấy nàng, nói:
- Thê tử của ta đã mang thai một năm lẻ sáu tháng mà vẫn chưa sinh, thực không biết sẽ sinh ra đứa nhỏ trông thế nào. Đợi tới khi hài tử của ta chào đời, sẽ lại mời ngươi tới núi Thanh Khâu uống rượu.
Trần Cảnh đương nhiên mở miệng đồng ý, nhưng trong lòng lại ngổn ngang trăm mối. Hắn không biết khi con của Triệu Ngọc Bạch sinh ra thì mình có còn sống hay không, mà dù có còn sống cũng không biết có thể đi được tới đó hay không.
Triệu Ngọc Nghiên cũng không mất đi thần trí, nên đương nhiên có thể nghe thấy, nhưng không thể nói được. Chỉ thấy nàng rơi lệ đầy mặt nhìn Trần Cảnh, trong ánh mắt tràn đầy vẻ không cam lòng và oán hận, một nỗi oán hận sâu như biển.
Dưới chân Triệu Ngọc Bạch xuất hiện một đám mây, bay vút lên trên trời. Trần Cảnh nhìn theo, trên trời cao có một cô gái bụng hơi phình to, khi nhìn thấy Triệu Ngọc Bạch, cô nở một nụ cười đầy nhẹ nhõm, làm Trần Cảnh cũng thấy vui lây cho Triệu Ngọc Bạch, cõi lòng vốn bị giết chóc làm cho lạnh lẽo cuối cùng cũng có được một cảm giác ấm áp.
Người bên ngoài thấy Triệu Ngọc Bạch bình an vô sự đi ra thì vô cùng kinh ngạc, nhưng không ai dám đi hỏi, vì ai cũng biết người này là đến từ núi Thanh Khâu sơn. Núi Thanh Khâu có thể là một nơi xa lạ với đám đệ tử tiểu bối, nhưng nếu hỏi các trưởng bối về nơi này, thì đáp án chỉ có bốn chữ — thần bí khó lường.
* * *
Trận chiến này kéo dài không lâu, kết thúc rất nhanh, nhưng kết cục lại vô cùng thảm liệt. Đệ tử các môn phái từ châu Hắc Diệu tới gần như chết hết, từ nay Trần Cảnh xem như kết mối thâm thù với cả châu Hắc Diệu. Theo Trần Cảnh suy nghĩ, hẳn là vẫn còn nhiều người nữa muốn ra tay, nhưng sau khi Triệu Ngọc Bạch rời khỏi thì lại không thấy ai chui vào trong sương trắng nữa. Hắn không biết một trận chiến này của hắn đã khiến những kẻ có ý muốn thừa cơ đoạt bảo đều sợ tới run người, và trong lòng họ càng thêm chắc chắn rằng trong tay Trần Cảnh nhất định có thứ đúng như lời đồn.
Nhưng lời đồn kiểu này vĩnh viễn cũng chỉ lưu truyền giữa những kẻ kiến thức nông cạn mà thôi, giới tiên sơn huyền môn không thể nào vì những lời đồn thế này mà ra tay bao giờ.
Người bên ngoài không rời đi, sương trắng cũng vẫn không tan. Mãi mấy ngày sau, nhiều người ở quanh Kinh Hà Tú Xuân loan từ từ rời đi, sương trắng mới từ từ tản bớt.
Người thôn Hà Tiền vẫn chưa tỉnh lại, còn những người muốn đi qua Phong Lâm độ tới đây đều chỉ tiến được vào trong sương trắng, rồi lại bất tri bất giác đi ra, như một chiếc lá rơi vào con sông, bị nước sông đẩy lên bờ. Suốt mấy ngày liền, bên ngoài sương trắng tụ tập rất nhiều người phàm, đều là người ở khắp gần xa chạy tới xem chuyện lạ. Không có ai biết rõ đây là chuyện gì, mấy ngày sau, sương trắng tan hết, tất cả quay về bình thường, không xảy ra bất kì một thay đổi nào. Có người tới thôn Hà Tiền để hỏi việc này, mới biết người trong thôn đều chìm trong giấc ngủ say, và tất cả đều cùng gặp một giấc mộng, trong giấc mộng đó, trên không trung của Tú Xuân loan tiên thần tụ tập, dưới sông thi thể chìm nổi, máu loang đỏ cả mặt nước.
Lập tức có người chạy tới miếu Hà Bá để xem, nhưng không nhìn thấy một xác chết nào, nước sông vẫn giống hệt như bao nhiêu năm nay. Nhưng miếu Hà Bá đã không còn nóc mái, trên tượng thần trong miếu có vết kiếm nhàn nhạt. Ai nấy đều có vô vàn thắc mắc, thậm chí suốt một thời gian dài sau đó, người ta đồn rằng Hà Bá đã chết, còn có người tới, tự xưng là Hà Bá mới, lại bị người thôn Hà Tiền đánh cho một trận mà chạy trối chết.
* * *
Từ sau trận chiến đó, dù là người của thôn Hà Tiền cũng không còn nhìn thấy Hà Bá hiển chân thân nữa, nhưng họ tin Hà Bá vẫn còn sống. Mỗi ngày, người trong thôn vẫn vào miếu đốt nhang, ở nhà vẫn thờ Hà Bá. Miếu Hà Bá cũng được sửa chữa lại sau một lần cúng lễ lớn, tượng Hà Bá vẫn giữ nguyên trạng, nhưng người dân còn xây thêm mấy tượng thần nữa ở phía trước sau tượng Hà Bá. Trong đó ngay phía trước là hai pho tượng, pho tượng thứ nhất là một thiếu nữ tay nâng một cái đèn màu xanh, mặt chăm chú nhìn ngọn đèn trong tay, như sợ đèn bị gió thổi tắt. Pho tượng thứ hai là một tiểu cô nương, tay cầm một viên gạch màu xanh, mặt vừa căng thẳng vừa hưng phấn nhìn ra ngoài cửa, như ngoài ấy lúc nào cũng có thể có kẻ địch xông tới, mà cô bé thì đang đợi để dùng viên gạch trong tay đẩy lùi chúng. Hai bên cửa có hai cái bệ đá, trên bệ đá bên trái là một vỏ sò màu xanh, im lìm, trên bệ đá bên phải là một con tôm đỏ cực to, bộ dáng giương nanh múa vuốt, vẻ mặt hung ác, càng bên trái kẹp một thanh kiếm, càng bên phải kẹp một cây đại phủ. Sau lưng tượng Hà Bá có một pho tượng nữa, là một cô gái mặc áo tang, đầu đội một đóa hoa trắng to, xinh đẹp nhã nhặn, khuôn mặt trái xoan, nhưng không hề có mặt.
Người thôn Hà Tiền cũng không chữa vết kiếm trên tượng thần, nhưng những vết kiếm đó lại từ từ tự biến mất, làm cho mọi người càng thêm tin tưởng Hà Bá vẫn còn ở đây. Người ở quanh đó dần dần đều tới đây thắp nhang thờ Hà Bá, nhiều người ở hơi xa hơn thì tự đúc cho mình một pho tượng thần, mang tới miếu Hà Bá tế ba ngày, ba ngày sau, mấy pho tượng rất bình thường kia quả nhiên đều mơ hồ có một chút linh tính.
Mà ở ngày tết hàng năm, trước cửa mọi nhà gần xa đều có bày nhang đèn, mâm cỗ để cúng Hà Bá. Không biết từ khi nào, trên cửa mỗi nhà có hỷ sự còn đều dán hai bức tranh, bức bên trái vẽ một con sò xanh đang lơ lửng trong nước, quanh thân có một tầng hơi nước, nhìn cực kỳ thần bí; bức bên phải vẽ một con tôm đỏ đạp trên sóng nước, càng trái kẹp kiếm, càng phải kẹp phủ, vẻ mặt hung ác.
Song những chuyện này đều là về sau. Lại nói về thời điểm trận chiến kia kết thúc, hơn mười ngày tiếp theo, đã có người tới trước miếu Hà Bá.
Người này nhìn không ra tuổi thật, trông bên ngoài chỉ chừng ba bốn mươi tuổi, mặc một bộ áo bào xanh đơn giản, tóc búi kiểu đạo sĩ, trên người không đeo một món trang sức nào.
Ánh sao chiếu lên người đạo nhân, đều giống như bị đạo nhân hút hết vào trong cơ thể. Đạo nhân không đi vào trong miếu, chỉ hỏi vọng vào:
- Kiếm quyết của Hà Bá từ đâu mà có?
Câu hỏi rất thiếu lễ phép, kết hợp với tướng mạo có chút uy nghiêm khiến giọng điệu của đạo nhân trở nên nghe như chất vấn, cứ như Trần Cảnh học trộm kiếm quyết của nhà ông ta. Trong miếu Hà Bá lóe lên một cái, Trần Cảnh hiện ra trước cửa miếu, không giấu giếm, cũng chẳng chút giận dữ, đáp:
- Từ nhỏ theo một ông lão kiếm khách học được.
- Ông lão kiếm khách đó tên gì?
- Không biết.
Đạo nhân cau mày:
- Vậy ngươi hẳn là phải biết mình học kiếm quyết gì chứ?
Trần Cảnh lại lắc đầu, nói mình không biết, nhưng đối phương không tin, nói:
- Lẽ nào ngươi không biết, ngươi học chính là Hãm Tiên kiếm quyết?