Lúc uống rượu, có người thích hâm nóng, có người lại thích ướp lạnh.
Đã quá giữa hè, nhiệt độ ban ngày ở Trường Lăng vẫn rất cao, nhưng ban đêm lại dịu mát hẳn lại.
Bên trong chén ngọc chính là rượu quý Bồ Đào, cho thêm vài miếng băng làm lạnh. Bên ngoài chén ngọc ám đầy hơi lạnh. Trong cái mâm cạnh chén đựng đầy trái cây với đủ loại màu sắc đã được rửa sạch. Trong vườn cây cảnh phía trước, đom đóm bay lượn lờ.
Một người mặc đồ đen, trên khuôn mặt không thấy được dấu vết của năm tháng, bưng chén rượu lên, không vội uống cạn mà chỉ thong thả nhâm nhi chỗ rượu trong ly, răng và môi người này đã nhuộm một màu đỏ tươi như máu.
Mặc dù chỉ mặc quần áo tơ lụa màu đen bình thường, nhưng nếu xét về khí chất quý phái, cả Trường Lăng quả thực không tìm được mấy người vượt qua lão. Bởi vì khí chất quý phái đó, không chỉ được hình thành qua vô số năm tháng được ăn ngon mặc đẹp mà còn được tích lũy dần qua thời gian dài nắm quyền sinh sát trong tay.
Y chính là người đã dẫn dắt Trương Nghi đến Tiên Phù Tông, thủ lĩnh của giới quyền quý Trường Lăng ngày trước.
Hầu hết người Trường Lăng đều không hay biết đến sự hiện hữu của lão. Thậm chí, kể cả những người biết đến sự hiện hữu của một người như lão, cũng không hay biết tên thật của lão là gì, mà chỉ thường quen miệng gọi lão là "Dạ Kiêu".
"Trịnh Tụ bản chất là một con mụ điên. Mụ ta còn chưa nổi điên chẳng qua chỉ là vì chưa bị kích thích đủ."
"Số lượng người bên cạnh mụ vốn dĩ đã không quá nhiều, vừa khéo ta lại rất ghét Ôn Hậu Linh."
"Mụ mà nổi điên thì chúng ta phải làm sao đây?"
"Sở sắp loạn, Yên quá sâu, Tề vừa khéo."
Ngồi bên cạnh người mặc đồ đen là một văn sĩ trung niên hòa nhã. Dù hai người chỉ trao đổi vài câu hời hợt, nhưng nội dung chính lại quan trọng đến mức đủ để ảnh hưởng tới toàn bộ Trường Lăng.
Thong thả nhâm nhi hết rượu trong ly, người mặc đồ đen đứng dậy rồi biến mất vào trong màn đêm của Trường Lăng.
. . .
Lại là lúc trăng treo đỉnh đầu.
Tiên Phù Tông. Trương Nghi không hề bị phạt, nhưng y vẫn tiếp tục gánh nước.
Khi y đi qua đoạn đường núi lúc trước, nơi đó đã không còn tỏa ra những tia sáng mờ ảo nữa, bởi vì bước chân y đã trở nên rất vững chãi, nước trong thùng cũng không còn sánh ra nữa.
Bước chân y nhẹ tênh.
Dù vẫn chưa hiểu được ý nghĩa những phù văn lúc trước, nhưng y lại đột nhiên hiểu được những con đường vận chuyển Chân Nguyên trong cơ thể mình, đã hiểu được công pháp Chân Nguyên đó.
Công pháp Chân Nguyên đó phối hợp với con đường núi nơi đây phát ra một lực lượng huyền ảo, khiến cho thân thể y càng lúc càng kiên cường dẻo dai, càng lúc càng mạnh mẽ.
Chỉ sau vài ngày ngắn ngủi, sự thay đổi đó đã thực sự khiến y phải khiếp sợ.
Dù một số đồ vật sắc bén, thậm chí là sắt mỏng, đâm vào da thịt của y cũng chỉ để lại một vệt trắng mờ nhạt.
Tiên Phù Tông đích xác là một nơi đủ khiến cho lòng người khiếp sợ.
Dù thân thể của y có thay đổi đáng sợ dưới tác động của công pháp Chân Nguyên cao thâm đó, nhưng nhận thức về phù đạo vẫn dậm chân tại chỗ, y vẫn thuộc diện kém cỏi nhất trong hàng ngũ đệ tử gia nhập môn phái cùng lứa.
Điều này vẫn làm cho y cảm thấy tương đối xấu hổ.
Trên đường núi trước mặt, một vệt sáng mờ mờ ảo ảo đã cắt đứt suy nghĩ của y, hấp dẫn sự chú ý của y.
Đó là một loại dịch nhờn phát ra ánh sáng yếu ớt.
Trương Nghi dừng lại, phản ứng ban đầu là kinh ngạc khó hiểu.
Loài vật lưu lại loại dịch nhờn phát sáng đó là một con ốc sên nhỏ.
Đó là một con ốc sên có vẻ rất bình thường, nhưng con đường núi này ẩn dấu đạo lý huyền diệu, e rằng ngay cả Tu Hành Giả cấp thấp cũng không đi lại dễ dàng. Một con ốc sên bình thường thế này làm sao có thể bò ngang qua đây, có thể lưu lại một vết tích như vậy?
Trương Nghi kinh ngạc quan sát con ốc sên vẫn đang tiếp tục bò trên thềm đá. Y quan sát rất lâu, cuối cùng đã bắt đầu hiểu ra nguyên cớ.
Bởi vì thân thể con ốc sên này rất mềm.
Bởi vì con ốc sên này bò với tốc độ vô cùng chậm chạp, thậm chí chậm hơn rất nhiều so với tốc độ bình thường của loài sên.
Nhưng mà càng chậm chạp, thời gian tiếp xúc với thềm đá càng dài, dấu vết để lại cũng càng rõ ràng hơn.
Sau khi trải qua thời gian tu hành trong rất nhiều năm, Trương Nghi chưa bao giờ có ý nghĩ tư lợi, mà chỉ dựa vào nỗ lực và tâm trí kiên định, từng bước một tu hành rồi tiến bộ. Hình như y cực hiếm khi có giác ngộ giống như thể hồ quán đỉnh.
Nhưng trong một tích tắc này, trong đầu y giống như có một tia chớp xẹt qua.
Y giống như bị điện giật.
Không hiểu sao y lại nắm lấy thanh kiếm dấu trong tay áo.
Đó là một thanh kiếm rất ngắn, giống như được làm bằng đá, là thanh kiếm Tiết Vong Hư đã truyền lại cho y.
Cùng lúc đó, trong đầu y chợt xuất hiện một luồng kiếm ý sắc bén đến độ làm cho ý thức y phải cảm thấy đau đớn.
Tiếp đó là dấu vết phát quang do con ốc sên kia để lại xuất hiện.
Y vô thức thúc đẩy Chân Nguyên chuyển động. Chân Nguyên thông suốt và vô cùng thong thả chảy xuôi vào thanh kiếm y đang cầm.
Y không hề ý thức được, cũng không nhận ra điều đó.
Nhưng thanh kiếm đá trong tay y chợt lóe sáng, những điểm sáng nhẹ nhàng bắn tóe ra, giống như có người cầm búa và đục đang khắc lên thân kiếm một ký hiệu nào đó.
. . .
Lúc Trương Nghi đạt được giác ngộ mà tất cả Tu Hành Giả đều tha thiết ước mơ tại Tiên Phù Tông ở Yên Thượng Đô, Đinh Ninh lại bỏ bê chữa thương, hắn đang chờ đợi, đang suy tư.
Bên cạnh Trịnh Tụ có một người tên là Ôn Hậu Linh.