Có một loại sách mà Bảo Nhan Đường của Trần Kế Nho không ấn hành, đó chính là chế nghệ văn bát cổ. Đây là sự kiêu ngạo của Trần Kế nho mà cũng là sự thông minh của ông. Bởi vì các loại sách khác đã đủ để ông ta kiếm tiền, bớt lại bát cổ văn để các thư thương khác kiếm tiền, tránh bị người ta đố kỵ. Có Bảo Nhan Đường lớn mạnh hậu thuẫn ở phía sau, Trần Kế Nho mới có thể không bị ràng buộc bởi công danh mà ung dung du sơn ngoạn thủy, vui vẻ mãn nguyện hưởng thụ lạc thú của cuộc sống. Sáng sớm ngày mười tám tháng năm, Trương Nguyên cùng với đại huynh Trương Đại từ trang viên Lục thị vượt qua Dư Sơn đến “Đông Dư Sơn Cư” của Trần Kế Nho. Tùy tùng đi theo là cha con Mục Chân Chân và Mục Kính Nham, Vũ Lăng và cả hai nô bộc tráng kiện của Tây Trương. Trên đường đi Trương Đại thao thao bất tuyệt nói với Trương Nguyên về tin đồn về Trần Mi Công. Đứng ở đỉnh núi Dư Sơn, nghiêng đầu ngắm nhìn những lầu các ẩn hiện trong rừng cây xanh ngắt ở chân núi phía đông, Trương Đại dừng chân nghỉ ngơi, thản nhiên nói:
- Giới Tử, vừa nghĩ đến việc sắp được gặp Trần Mi Công thì lòng quyết tâm tiến thủ đường công danh của ta liền tan biến như băng tuyết, kỳ thực ta cũng muốn học theo Trần Mi Công làm một ẩn sĩ ung dung tự tại, thưởng thức món ăn ngon, trà quý, tập dưỡng sinh, cả đời sống vui vẻ.
Trương Nguyên nghĩ thầm: “Trần Mi Công đã bắt kịp thời cơ, sống đến hơn tám mươi tuổi, chết trước khi thay đổi triều đại, đại huynh không thể làm được đâu”.
Hắn cười nói:
- Đại huynh là người giàu sang phú quý, tỳ nữ đẹp luyến đồng hay, Trần Mi Công có sắc giới ca đấy.
Trương Đại cười lớn:
- Tài tử phong lưu chính là tuổi trẻ, tuổi trẻ nghe vũ ca trên lầu, dù là Trần Mi Công lúc còn trẻ tuổi cũng vô cùng háo sắc đấy, phụ thân ta đã nói như thế. Mi Công tuổi quá tứ tuần mới bắt đầu dưỡng sinh, vì thế nói hay là ta đợi đến sau bốn mươi tuổi hãy quy ẩn vậy, không nếm trải hương vị thế gian, thì làm sao có được ý tưởng xuất thế. Cho nên nói không chỉ ẩn sĩ mà chính là mấy tên hòa thượng, đạo sĩ, xuất gia từ nhỏ rất ít có khả năng tu thành chính quả, buộc phải hồng trần khắp nơi mới có thể siêu thoát chứng ngộ.
Trương Nguyên cũng cười to. Những lời của đại huynh rất có tầm mắt, đại huynh cả đời đích thực là sống như thế, trước năm mươi tuổi nếm trải hết phồn hoa, sau năm mươi kham khổ như lão tăng, thế mới viết được “ Đào am mộng ức “ , “ Tây hồ mộng tầm “ vừa ngắn gọn súc tích lại vừa rộng mở, vừa thâm tình lại vừa siêu thoát. Tào Tuyết Cần viết “ Hồng Lâu Mộng “ cũng bởi vì có được cái cảnh ngộ đó. Việc ra đời các tác phẩm bất hủ cũng là có cái vận khí của nó, dường như đã tồn tại từ sớm, chỉ cần đợi người thích hợp viết ra. Trương Đại đứng trên đỉnh Dư Sơn bỗng nhiên nghĩ thông ra là sau bốn mươi tuổi hãy quy ẩn, lòng không khỏi vui sướng, như vậy có thể có lí do để ăn chơi đàng điếm rồi. Gã nhẹ nhàng vui vẻ xuống núi, vừa đi vừa hát:
- Hồng nhan tuy đẹp, tinh khí thần tam bảo đều bị chồn hoang trộm mất. Đỉnh lông mày nhíu lại, vòng eo mềm mại, thanh thoát, trang điểm đậm hay nhạt cũng đều bị nam tử làm cho khô héo. Âm thầm phát một mũi tên, trúng anh hùng, dây cung đứt. Bệnh ma quấn lấy, đi tìm thầy thuốc cầu chữa. Phòng thuật lầm không ít người, việc phiền não này, tự trong nhà mà ra. Điền tinh bổ não phải sớm ra tay ứng phó. Thu xếp phàm tâm, đến thăm tiên ông, học bất lão.
Đó là bài “ Giới sắc ca “ của Trần Kế Nho.
Trần Kế Nho thích vẽ, yêu thích mai và lan, sống ở Dư Sơn mười năm, nhà cửa ruộng đất xung quanh trồng rất nhiều cây mai, lại lựa chọn nơi râm mát yên tĩnh để trồng rất nhiều hoa lan, không thiếu giống cây quý giá nào. Lúc này là vào tháng năm giữa mùa hạ, Kiến Lan, Trân Châu Lan nở rộ, còn có hoa nhài, thục quỳ, đỗ nhược, đều khoe màu đua sắc, tranh đua vẻ đẹp. Trương Nguyên và Trương Đại vừa đến thích thú vô cùng. Trong rừng cũng có rất nhiều loại chim líu lo ríu rít, hót véo von. Khi ngước mắt nhìn lên, ánh mặt trời chiếu xuống lọt qua cành lá sum sê, những tia nắng rực rỡ, bên tai chỉ nghe thấy tiếng chim hót nhưng lại không nhìn thấy nơi chúng đang ẩn nấp...
Vũ Lăng cũng trầm trồ:
- Trần Mi Công sống hưởng thụ quá, ẩn sĩ như thế này thì ai lại không muốn chứ!
Trương Đại bật cười:
- Tiểu Vũ, ẩn sĩ dễ làm như thế sao? Mi Công có một câu nói rất nổi tiếng là “Không phải người nhàn rỗi thì không nhàn được, người nhàn rỗi không phải người đợi nhàn rỗi.”
Trương Nguyên nói:
- Cao sĩ như Mi Công là rất hiếm có trên thế gian này. Đổng Kỳ Xương sống ở nơi ồn ào náo nhiệt còn Trần Mi Công sống ở rừng núi. Đổng Kỳ Xương thuê người vẽ thư họa để bán, còn Trần Mi Công vẽ tranh chỉ để tặng bạn bè tri kỷ, so sánh với Trần Mi Công thì Đổng Kỳ Xương dung tục hết sức, hắn thầm nghĩ: “Đổng Kỳ Xương và Trần Mi Công đều qua đời khi tám mươi hai tuổi. Nghe nói Đổng Kỳ Xương lúc lâm chung muốn mặc váy áo thêu màu đỏ của phu nhân, không biết có phải cảm thấy thân mình quá dơ bẩn mà muốn làm phụ nữ ở kiếp sau hay không? Còn Trần Mi Công tự biết đại nạn đang đến nên đã rời khỏi cốc mấy ngày để viết thư và chia tay bạn bè thân hữu, giống như sắp đi xa. Tự tay ông viết một câu đối “Bắt đầu từ chân, bắt đầu từ tay, tám mươi năm cuộc đời chìm nổi: không oán trời, không trách người, ba nghìn giới cá nhảy chim bay”, sau đó buông bút từ trần. Cảnh giới này sao Đổng Kỳ Xương có thể sánh kịp chứ!
Là một ẩn sĩ am hiểu sâu nhưng giữ mình, phẩm hạnh của Trần Kế Nho không thể nào bắt bẻ được. Trương Nguyên rất ngưỡng mộ Trần Kế Nho nhưng thời thế lúc bấy giờ không đáng để noi theo đường đi gập ghềnh của Trần Mi Công. Bỗng nhiên nghe thấy tiếng hươu kêu, Trương Đại lắng tai nghe vui mừng nói:
- Đây chắc chắn là con hươu của tổ phụ ta tặng cho Mi Công! Ha ha, đã mười năm rồi mà Mi Công vẫn cứ cưỡi hươu như trước.
Trương Nguyên cười nói:
- Thần đồng năm nào nay đã là một thiếu niên đẹp đẽ nhanh nhẹn rồi, e là Mi Công sẽ nhận không ra.
Một hàng bảy người xuyên qua rừng mai, đi theo tiếng hươu kêu. Bên phải đường núi có một khe suối nước chảy róc rách, làn nước vô cùng trong xanh bắn tung như châu ngọc. Tiếng hươu kêu ở bờ bên kia khe núi. Đi được thêm khoảng mười dặm lại thấy một cây cầu được dựng bằng mây tre già vắt ngang qua hai bờ suối. Trương Nguyên và đại huynh Trương Đại đi lên cầu mây liền trông thấy một con suối uốn quanh tạo thành một cái hồ nhỏ ở chân núi. Hồ rộng hơn mười mẫu, hai tòa lầu bằng gỗ được xây gần núi, có hàng rào tre thưa làm tường, vây thành một cái sân nhỏ, trồng đủ các loại hoa cỏ nhiều màu sắc. Đây chắc chắn chính là “Thủy biên lâm hạ uyển” (vườn dưới rừng bên dòng nước). Tiếng hươu kêu u u, từ bên hàng rào xuất hiện một con hươu sừng lớn, tiếng bước đi vang dội, đi đến bên hồ để uống nước, rồi lập tức xuất hiện một nữ lang mặc áo vải đội mũ trúc đi đến bên cạnh con hươu, kéo áo ngồi xổm xuống, vớt một đám bèo rồi để trong tay cho hươu ăn. Đương lúc con hươu đang ngoan ngoãn ăn bèo thì đầu lưỡi liếm phải lòng bàn tay của nữ lang khiến nàng cười khanh khách. Trương Nguyên và Trương Đại lập tức dừng chân, hai huynh đệ nhìn nhau, vẫn chưa mở miệng nói lời nào thì Vũ Lăng nhanh mồm nhanh miệng nói khẽ:
- Thiếu gia, nữ lang này không phải là vị mà chúng ta đã gặp ở Tây Hồ, con gái của Nhạc Vương - tiểu thư Ngân Bình hay sao?
Trương Nguyên cười mắng:
- Nói bậy, rõ ràng là người mà.
Con hươu sừng lớn cảnh giác, phát hiện ra đám bảy người Trương Nguyên liền quay đầu nhìn, trong miệng vẫn còn ngậm một nắm bèo, nuốt xuống từng chút một. Nữ lang mặc áo vải đội mũ trúc kia quay đầu nhìn, ánh nắng gắt làm nữ lang nheo mắt, lông mi cụp xuống, đôi mày thanh tú cũng nhíu lại, làn da được ánh mặt trời chiếu vào sáng như mỹ ngọc, áo vải ôm lấy eo thon mảnh mai, khuôn mặt tựa hoa đào, xinh đẹp tuyệt trần. Nữ lang gặp bên cầu gãy ở Tây Hồ ngày trước là người đang đứng trước mặt mình thật ư? Cả Trương Nguyên và Trương Đại đều bị cận, đêm trăng hôm đó nhìn không rõ, mà nữ lang trước mặt lại là một người xinh đẹp tuyệt trần nên nhất thời không dám xác định. Tuy trang điểm rất giống nhưng suy cho cùng thì một người ở Tây Hồ còn một người lại ở Dư Sơn Hoa Đình cách mấy trăm dặm. Trương Nguyên tuy mắt hơi kém nhưng tai lại thính đến mức đáng kinh ngạc, đã nghe rồi thì sẽ không bao giờ quên. Hắn lập tức tiến thêm mấy bước, chắp tay nói với nữ lang:
- Tại hạ Trương Nguyên cùng đại huynh đến thăm Mi Công.
Nữ lang nhẹ nhàng trả lễ bằng một tiếng “Vâng”, đưa mắt nhìn Trương Nguyên và Trương Đại, đột nhiên cất giọng nói:
- Diêu thúc!
Chợt nghe thấy tiếng bước chân vọng đến. Một số người nối nhau đi ra, tay cầm cây gậy dài, quát:
- Lại đến nữa sao?
Mục Chân Chân thoáng chốc đã đứng bên cạnh Trương Nguyên, nâng đùi phải lên, cảm thấy sự tồn tại của Tiểu Bàn Long côn nhưng Mục Kính Nham lại rất bình tĩnh. Hai người hầu của Trương Đại đều trở nên rất căng thẳng. Trương Nguyên nghe thấy nữ lang gọi “Diêu thúc”, rõ ràng chính là nữ lang giống như tiên, như ma như cáo đã xin qua sông vào đêm trăng ở Tây Hồ hôm đó. Mấy người này cầm gậy mặt mũi đằng đằng sát khí là muốn gì đây?
Nhưng lại thấy nữ lang mặc áo vải đội mũ trúc bỗng nhiên cười lớn, nói với mấy tên đại hán:
- Những người này không phải lưu manh côn đồ, là Trương tú tài ở Sơn Âm đến thăm Mi Công.