Sáng sớm hôm sau, Trương Nguyên sai Lai Vượng đem thư tới Hội Kê giao cho Thương Chu Đức, lại sai Vũ Lăng đem mười cuốn thi văn tập kia và một trục giấy Tuyên Thành mang đến Giới Viên cho Vương Tu Vi, viết một phong thư ngắn, bảo Vương Tu Vi xem bản viết tay của Từ Vị cẩn thận, có rảnh thì chép lại một bản, hắn có thể đem bản chép tay của Vương Vi giao cho Dương Thạch Hương mang về Thanh Phổ khắc để in ra, hai bức họa kia của Từ Vị cũng đưa cho Vương Vi nghiền ngẫm học tập luôn, hôm khác sẽ đem đến cửa hàng tranh để bảo tồn sau.
Cao Phan Long, Trâu Nguyên Tiêu ở Thiệu Hưng phủ học dạy học cho chư sinh Hàn Xã hai ngày, tuyên dương học vấn về kinh, thế, trí, dụng của Đông Lâm. Mùng sáu tháng ba, Hàn Xã xã viên bắt đầu lần lượt rời khỏi Sơn Âm trở về quê, nhưng vẫn còn có gần trăm người lưu lại, những người này là nòng cốt của Hàn Xã, có quan hệ thân thiết với Trương Nguyên, phải ở lại tham gia hôn lễ của Trương Nguyên vào tháng sau. Cao Phan Long, Trâu Nguyên Tiêu sau giờ ngọ ngày mùng sáu tháng ba cũng lên thuyền về Vô Tích, Trương Nguyên và mọi người đều đến cung tiễn.
Thương Chu Đức nhìn bức thư Trương Nguyên sai người đưa tới, lắc lắc đầu, thực ra y xem chuyện Trương Nguyên nạp thiếp cũng không quan trọng, chỉ là một ca kĩ Dương Châu mà thôi, làm sao uy hiếp được địa vị của tiểu muội Đạm Nhiên ở Trương gia, chỉ có điều tiểu muội và Trương Nguyên tình đầu ý hợp, sắp thành hôn, lúc này một Vương Vi chen vào chặn ngang như vậy, tâm trạng của tiểu muội đương nhiên sẽ không tốt.
Trong tay còn có một phong thư Trương Nguyên viết cho tiểu muội Đạm Nhiên, Thương Chu Đức nắn nắn phong thư, một chồng thật dày, cười cười, đứng dậy đi vào nhà, muốn tự mình đem thư giao cho tiểu muội, cũng nói vài câu để tiểu muội không suy nghĩ nhiều. Ở hành lang gặp một tỳ nữ, hỏi mới biết Đạm Nhiên ở phòng khách phía sau vườn hoa, bèn đi tới thẳng đến vườn. .
Vườn sau có một chiếc xích đu bên bờ hồ, từng chùm lan núi nở rộ, hoa thược dược cũng đang khoe sắc,.Tiểu tỳ Vân Cẩm đang ngồi xích đu, Thương Đạm Nhiên đứng ở một bên xem, còn có một tỳ nữ đang cầm khăn, thấy Thương Chu Đức đi tới, Vân Cẩm vội vàng tụt từ trên xích đu xuống, đồng loạt kính chào Nhị lão gia, Thương Chu Đức nói:
- Ta có lời muốn nói với Đại tiểu thư, các ngươi lui đi.
Đợi hai nữ tỳ đi ra trước cửa vườn đứng, Thương Đạm Nhiên mở miệng nói:
- Nhị huynh, Sơn Âm bên kia có gửi thư tới sao?
Mười ba tháng chạp năm ngoái Trương Nguyên trở lại Sơn Âm, năm ngày ba bận sẽ viết thư cho Thương Đạm Nhiên, mà từ hạ tuần tháng hai đến giờ đã tám, chín ngày không thấy gửi thư đến, Thương Đạm Nhiên cũng biết Trương Nguyên bận chuyện Hàn Xã xã viên tụ tập.
- Đúng Là thư của Trương Giới Tử.
Thương Chu Đức lấy thư của Trương Nguyên từ trong ống tay áo ra, đưa cho Thương Đạm Nhiên, khẽ cau mày:
- Đã xảy ra một chút chuyện làm cho người ta không vui.
Thương Đạm Nhiên khoác bỉ giáp, búi tóc kiểu Hàng Châu, đôi mắt sáng răng trắng tinh, dáng vẻ thanh tao lịch sự, nhìn sắc mặt của Nhị huynh Thương Chu Đức, trong lòng trầm xuống, hỏi:
- Là về chuyện của Vương tiểu thư?
Đây là chuyện nàngvẫn luôn lo lắng.
Thương Chu Đức cũng biết mối quan hệ giữa con gái của Vương Tư Nhâm và Trương Nguyên, cười cười, nói:
- Không phải Vương tiểu thư, nhưng cũng họ Vương, à một danh kỹ ở Kim Lăng, quen biết Giới Tử ở Tùng Giang, đuổi theo đến Sơn Âm này. Muội xem thư trước, xem Trương Giới Tử giải thích với muội như thế nào.
Đôi mi thanh tú của Thương Đạm Nhiên nhíu lại, mở thư ra, đặt phong thư bên cạnh giá xích đu. Giấy mà Trương Nguyên dùng viết thư chính là loại giấy làm bằng trúc dài tám tấc rộng sáu tấc, viết đầy năm trang giấy, kiểu chữ tiểu Khải đầu lớn, đoan trang thanh tú, thư pháp có sự tiến bộ rất lớn so với giữa hè năm kia ở núi Bạch Mã. Thương Đạm Nhiên vẫn rất điềm tĩnh, còn thanh thản thầm đánh giá chữ của Trương Nguyên một chút.
Thương Chu Đức khoanh tay đứng ở một bên, nhìn tiểu muội Đạm Nhiên xem từng trang thư, xem đến trang cuối cùng, mặt không chút biểu hiện gì, ngẩn người nhìn lùm cây thược dược, bỗng nhiên khóe mắt chảy ra hai hàng nước mắt làm ướt gò má, Thương Chu Đức lập tức cuống lên, nói:
- Trương Giới Tử làm việc rất hoang đường, hắn nói mấy ngày nữa sẽ đến nhà giải thích, đến lúc đó ta sẽ trách hắn, bắt hắn phải bỏ kỹ nữ Kim Lăng kia, thật là chả có đạo lí gì cả.
Thái độ Thương Chu Đức hơi khoa trương, y đang cố ý.
Thương Đạm Nhiên vẫy tay một cái, tỳ nữ cầm khăn kia chạy tới, Thương Đạm Nhiên lấy khăn che mặt lau lau nước mắt, lại sai tiểu tỳ lui ra, nói với Nhị huynh Thương Chu Đức:
- Nhị huynh, Giới Tử viết thư để giải thích, không phảimuốn hối cải, muội biết tính Giới Tử, ngoài mềm trong cứng, phong thư này của huynh ấy tuy rằng cân nhắc từng câu từng chữ, nhưng muội nhìn ra được. huynh ấy rất có ý che chở cho cô gái tên Vương Vi kia. Sơn Âm xã tụ tập, sĩ tử như mây, chắc là muốn mượn cớ mang Vương Vi đến Sơn Âm là vì văn thơ, chúng ta nếu như hết sức bài xích, ngược lại còn không tốt, làm cho muội bị mang tiếng là ghen tị, muội có thể chấp nhận được Mục Chân Chân, vì sao không chấp nhận được Vương Vi này.
Mười chín tháng sáu năm ngoái Thương Đạm Nhiên ở chùa Đại Thiện gặp Trương mẫu Lã thị, Trương mẫu Lã thị nói chuyện Mục Chân Chân với nàng. Mục Chân Chân theo Trương Nguyên ra ngoài, nhất định là chủ tớ cùng phòng rồi, lúc ấy nàng cười nói Chân Chân có võ nghệ, lại thật thà, đi theo Trương lang ra ngoài cũng làm cho người ta yên tâm.
Thương Chu Đức thở dài:
- Tiểu muội hiền lành như thế, Trương Giới Tử nên thấy cảm kích và xấu hổ. Tuy nhiên muội khoan dung như vậy cũng không được, hắn bây giờ chỉ là một tên tú tài, về sau nếu như thi đậu tiến sĩ, làm quan một phương, chẳng phải sẽ muốn tận hưởng thanh sắc, ăn chơi đàng điếm sao?
Thương Đạm Nhiên lại cười nói:
- Không đến mức ấy, Trương Giới Tử không phải người mê rượu háo sắc, nhưng muội muốn gặp Vương Vi kia một chút.
Trong lòng vẫn là ghen tỵ. Vương Vi cùng thuyền với Trương Nguyên từ Thanh Phổ tới Kim Lăng, ngẫm lại vẫn canh cánh trong lòng.
Thương Chu Đức nói:
- Đợi Giới Tử đến ta sẽ nói với hắn, để Vương Vi kia đến bái kiến muội, cô gái kia nếu là nịnh hót quá đáng, muội phải răn dạy một phen.
Nói thêm vài câu rồi đi.
Thương Đạm Nhiên đem thư của Trương Nguyên cất kỹ đi, ngồi xích đu, tiểu tỳ Vân Cẩm đi tới nhẹ nhàng đẩy, hỏi:
- Tiểu thư vì sao khóc, Trương cô gia ức hiếp tiểu thư?
Thương Đạm Nhiên ngạc nhiên nói:
- Vì sao ngươi nói là Trương Giới Tử ức hiếp ta?
Vân Cẩm chần chừ một chút, nói:
- Sáng sớm này hầu gái nghe thuyền nương Chu mụ nói Trương cô gia muốn nạp một hoa khôi ở Kim Lăng làm thiếp, không biết thật giả thế nào cho nên hầu gái không dám nói với tiểu thư.
Chiếc xích đu khẽ đung đưa, váy áo nhẹ bay, Thương Đạm Nhiên ngẩng đầu nhìn mây trôi trên trời, thầm nghĩ: "Việc này truyền đi thật nhanh, như vậy xem ra kêu Vương Vi kia tới nơi này gặp mặt là điều nên làm, đây cũng là bộ mặt của Hội Kê Thương thị ta." Nghĩ đi nghĩ lại, trong lòng vẫn phiền muộn.
Mồng tám tháng ba, Hoàng Tôn Tố, Nghê Nguyên Lộ và mấy Hàn Xã xã viên ở Thiệu Hưng phủ cũng cáo từ Trương Nguyên hồi hương, bởi vì mùng mười tháng ba chính là thanh minh, bọn họ phải trở về tảo mộ, đầu tháng sau sẽ lại đến Sơn Âm, uống rượu mừng của Trương Nguyên. Còn về phần Nguyễn Đại Thành, Phạm Văn Nhược, Phùng Mộng Long, Dương Thạch Hương và những xã viên ở xa đương nhiên không có khả năng về quê tảo mộ rồi lại tới, cho nên có hơn sáu mươi người ở lại Sơn Âm, mỗi ngày cùng tụ tập một chỗ thảo luận bát cổ, đàm luận kinh sử, thời sự, những ngày trời trong nắng ấm thì đi ngắm sông nước Thiệu Hưng, đi trên đường phố ở Sơn Âm như đi giữa bức hoạ vậy.
Mùng chín tháng ba sau giờ ngọ Trương Nguyên tới thăm anh vợ Thương Chu Đức, dọc đường thấy một chiếc thuyền thổi tiêu đánh trống liên hồi không dứt, trên thuyền nam nữ mặc đẹp, vui chơi ca hát. Đây là dân chúng ở hai địa phương Hội Kê, Sơn Âm trong thành tới vùng ngoại ô tảo mộ, nói là tảo mộ nhưng thật ra là du xuân, tiếng trống rộn rã, hát bài "hải đông thanh", "độc hành thiên lí". Trương Nguyên không rõ vì sao người Thiệu Hưng đi tảo mộ du xuân chỉ biểu diễn hai ca khúc này?
Thương Chu Đức thấy Trương Nguyên đến rồi, bèn nói chuyện hôm trước Đạm Nhiên xem thư xong nói những gì. Trương Nguyên hổ thẹn, cảm nhận sâu sắc được sự hiền lành của Đạm Nhiên. Thương Chu Đức nói:
- Đạm Nhiên muốn gặp mặt Vương Vi kia một lần, xem nàng ta là người thế nào, mấy ngày nữa, đệ gọi nàng ta tới đây gặp mặt đi.
Trương Nguyên nghĩ thầm rằng: "Tu Vi muốn vào cửa của Trương gia sớm muộn gì cũng phải bái kiến Đạm Nhiên. Đạm Nhiên hiền thục, sẽ không làm khó Tu Vi." Liền đồng ý.
Trương Nguyên ở Thương phủ dùng cơm chiều xong rồi cùng Vũ Lăng lên thuyền về Sơn Âm. Trên cầu Bát Sĩ, hoàng hôn buông xuống, vầng trăng bán nguyệt đã mọc lên, những ngôi sao lấp lánh trên nền trời màu xanh đậm, Trương Nguyên nói:
- Tiểu Vũ, cùng ta đi tới Giới Viên.
Vũ Lăng vâng một tiếng, theo Trương Nguyên tới hướng tây thành đến Giới Viên, nói:
- Thiếu gia mấy ngày nay không tới Giới Viên rồi.
Trương Nguyên nói:
- Mỗi ngày đều dạy học, tiệc tùng, đưa tiễn, mấy ngày rảnh rỗi không phải tỷ tỷ ta đều tới mấy lần sao?
Vũ Lăng nói:
- Tiểu nhân không rõ lắm.
Hai người đi tới ao Bàng Công, bầu trời cuối xuân đã hoàn toàn tối đen, vầng trăng khuyết kia sáng hơn, dường như lúc trước bị vương bụi, giờ được tẩy sạch rồi, nước ao u trầm, lầu các của Giới Viên trong bóng tối mờ mịt như mộng huyễn.
Viên môn chưa đóng, Trương Nguyên và Vũ Lăng đi vào, gia đình bốn người nhà Lão Tạ đang dùng cơm chiều, thắp sáng bằng một chiếc đèn dầu, cả nhà vui vẻ hòa thuận. Thấy Trương Nguyên gọi một tiếng liền đi tới. Đi qua hành lang, Tiểu Mi Sơn, đài Thiên Vấn, rồi tới ngoài cửa sau Mai Hoa thiền, gặp tiểu tỳ Huệ Tương đang ở bên dòng nước nhỏ của suối Sấu Thạch rửa chõ cơm và bát chén, một ngọn đèn lồng nhỏ cắm ở trên bức tường tre, ánh sáng vàng như ánh trăng.