Báo lỗi, nhờ hỗ trợ, yêu cầu cập nhập.
Quan Cư Nhất Phẩm

Chương 479: Thà Làm Ngụy Quân Tử, Không Làm Chân Tiểu Nhân (1).

Chương 479: Thà Làm Ngụy Quân Tử, Không Làm Chân Tiểu Nhân (1).




Dịch:lanhdiendiemla.

- Ha ha ha.

Ông già bị y chọc cười, nhưng vẫn rụt rè không dám mở miệng, chưởng quầy ở bên cạnh không nhịn được:

- Cái lão già đánh ba gậy không dám phì ra một tiếng rắm này, ông không nói thì để ta nói.

Thẩm Mặc mời:

- Vậy mời chưởng quầy cũng ngồi xuống, chúng ta vừa uống vừa nói chuyện.

Vị chưởng quầy kia không hề khách khí ngồi xuống, rót cho mình một chén Thập Nguyệt Bạch, rồi bắt đầu mở máy...

Thì ra ông già này là người huyện Côn Sơn, tên là Ngụy Hữu Điền, đã có con có cái, trong nhà còn có điền sản, vốn thuộc vào tầng lớp trung lưu. Thế nhưng đời biến ảo khó lường, chỉ hận kẻ xấu nhắm vào, có tên vô lại Tôn Ngũ cùng huyện, tuyên bố điền sản của Ngụy gia là sản nghiệp của mình, đem dâng cho hào môn quý quan. Ngụy gia tất nhiên không phục, kiện lên quan phủ. Ai ngờ huyện lệnh cũng muốn nịnh nọt đại hộ, phán điền sản của ông ta thuộc về quý quan gia kia.

Hiến tặng chia hai loại, một loại là tự dâng lên, một loại khác kiểu làm càn này. Cái trước là mang ý tự giữ mình, cái sau là pháp bảo cho kẻ gian móc nối với kẻ quền thế. Bọn chúng tuyên bố những điền sản có chủ là ruộng đồng bị bỏ hoang, hoặc là tài sản vô chủ, đem nó hiến cho người của nhà quan để làm nô bộc, sau đó ỷ vào quyền thế chủ, câu kết quan phủ, hãm hại bách tích, cực kỳ đáng hận.

Ngụy gia gặp phải chuyện vô vọng đó, ba người con trai không phục, thế chết bảo vệ gia nghiệp, mấy lần đánh lui kẻ tới tiếp nhận gia sản, cuối cùng gây ra họa tày trời, mấy chục tên quan sai tới, đánh chết tại chỗ một người, hai người còn lại bị tống vào đại lao. Thê tử của Ngụy lão gia thương con nhắm mắt bỏ đi, còn lại hai cha con, cũng bị đuổi ra khỏi địa phận côn sơn, mặc cho tự sinh tự diệt.

Nghe chưởng quầy nói tới đây, lão hán mặt đã đầm đìa nước mắt, ông ta nức nở tiếp lấy câu chuyện:

- Ngay hôm kia lão hán lưu lạc tới đây, may nhờ chưởng quầy có lòng tốt thu nhận, còn cho phép cha con lão bán nghệ tại nơi này.

Chiêu bài "ăn mày Côn Sơn" không phải chỉ toàn mang nghĩa xấu, còn nói lên người Côn Sơn ai ai cũng biết ca hát, đi tới đâu cũng có thể kiếm được miếng cơm:

- Nhưng trong lòng khổ sở, không bạt mình ra được, quấy nhiễu nhã hứng của công tử...

Thẩm Mặc chầm chậm gật đầu, hỏi:

- Tiếp theo lão trượng định làm thế nào?

- Nói ra không sợ công tử cười, cha con lão hán định trước tiên ở đây biểu diễn kỹ nghệ, sau đó bắc thượng bán nghệ, tới kinh sư cao ngự trạng.

Lão giả hiển nhiên rất thuần phác, không biết rằng có một số lời không thể nói.

Thẩm Mặc nghe vậy hơi nhíu mày lại:

- Trên huyển có phủ, trên phủ có tỉnh, trên tỉnh có tổng đốc đông nam, vì sao lại bỏ gần tìm xa, tới Bắc Kinh ngoài nghìn dặm cáo trạng?

- Không tới Bắc Kinh không được.

Lão giả vẻ mặt sầu não:

- Thế lực người ta quá lớn, ngay cả tổng đốc cũng không dám đụng vào.

- Nhà nào thế?

Thẩm Mặc động lòng, hỏi:

- Từ gia Tùng Giang.

Chưởng quầy xen miệng vào:

- Tên Tôn Ngũ kia đã tổi tên làm Từ Ngũ, quy thuận Từ gia làm nô bộc rồi, Từ phủ cho hắn số tiền lớn, lệnh hắn khải trương hiệu cẩm đồ ở đương địa, tiếp tục làm tàn làm ác, để mưu lợi.

- Quá ngang ngược.

Thẩm Mặc nghe thế liền trầm giọng xuống, vỗ bàn nói:

- Hắn ở Tùng Giang làm càn làm quấy cũng đành đi, lại còn dám vươn tay tới Tô Châu ta à?

Hai người chỉ cho rằng y đang phát tiết căm phẫn vì nghĩa, không nghĩ nhiều. Ngụy Hữu Điền nói tiếp:

- Ai cũng nói Từ các lão là phó tướng quan cư nhất phẩm, chỉ e tổng đốc cũng không quản được ông ta. Cho nên lão hán suy nghĩ mãi, muốn làm cho hai năm rõ mười, thì phải tới Bắc Kinh, tìm hoàng thượng cáo trạng.

*

Người dân không hiểu đại học sĩ hay các lão gì, thói quen gọi là thừa tướng, tế tưởng, nên Từ Giai hay được gọi là phó tướng.

Thẩm Mặc thầm nghĩ:" Chết mất, ông đừng có gây thêm loạn cho ta, chẳng may có kẻ mang mưu đồ biết được, thế nào cũng gây ra đại loạn." Hiện giờ thế cục chính trị cân bằng, đó là y muốn thấy, vừa có lợi cho Hồ Tôn Hiến kháng Oa, cũng có lợi cho bản thân làm nên sự nghiệp lớn.

Nhưng dù sao y cũng không phải tên quan khốn kiếp, không làm được cái chuyện âm thầm ngăn cản người dân tiến kinh tố cáo, nghĩ một lúc liền nói:

- Lão Ngụy, kỳ thực ông không cần chạy xa như vậy đâu, huyện Côn Sơn thuộc phủ Tô Châu, ông không phải là tố cáo Từ các lão, mà chỉ là tên lưu manh lợi dụng uy danh chủ mà thôi, tin rằng phủ tôn đại nhân sẽ chủ trì công đạo cho ông, ông cứ tới phủ thành cáo trạng đi.

- Phủ tôn đại nhân ư?

Ai ngờ hai người kia lắc đầu quầy quậy:

- Ai chẳng biết phủ tôn đại nhân là học sinh của Từ các lão, làm sao ăn cây táo rào cây me được.

Ngụy Hữu Điền còn phẫn nộ nói:

- Nếu như chẳng phải có mối quan hệ đó, tên Tôn Ngũ cũng đã không quy thuận Từ gia, huyện thái gia cũng chưa chắc thiên vị như vậy.

Thẩm Mặc tót mồ hôi, té ra mình thành đồng lõa rồi.

Vị chưởng quầy kia đột nhiên nói:

- Tri chuyện Trường Châu chúng ta có một vị Hải Thanh Thiên, không ngại cường quyền, hay là tìm ông ta cáo trạng...

Lời còn chưa nói hết, nhưng bị Thẩm Mặc cắt ngang:

- Hải Thanh Thiên đúng là có thể minh oan cho dân, nhưng bị phủ tôn đại nhân đình chức cấm túc rồi, lo cho bản thân còn chưa xong nữa kìa.

Thẩm nghĩ:" Nếu kiện tới chỗ tên Hải Diêm Vương đó thì chuyện nhỏ hóa lớn, chuyện lớn thành thủng trời!" Cho nên y phải đánh tan suy nghĩ này:

- Huống hồ ông ta là huyện lệnh huyện Trường Châu các vị, cũng chẳng xen được vào chuyện huyện Côn Sơn bọn họ.

Nghe nửa câu đầu của y, trên mặt hai người lộ ra vẻ phấn nộ không che giấu, hậm hực nói:

- Cái thời buổi này, người tốt chẳng được báo đáp, khó khăn lắm mới xuất hiện vị quan tốt, lại bị cấp trên hồ đồ bắt mất.

Thẩm Mặc vẻ mặt nhăn lại, thầm nghĩ:" Mặc dù thường ngày ta thoát ly quần chúng, nhưng cũng có làm chuyện gì xấu đâu? Sao lại thành cấp trên hồ đồ mất rồi?"

Xem ra không thể tùy tiện đối đầu với Thanh Thiên, nếu không người dân mặc kệ ngươi có oan hay không, coi ngươi thành Hắc Thiên rồi. Liền cười nói:

- Tin tức của các vị sai rồi, phủ tôn đại nhân anh minh trí tuệ nhường nào, sao có thể oan uổng cho Hải Thanh Thiên được, một khi tra rõ chuyện, không bao lâu có thể quay lại làm quan rồi.

Nói xong làm bộ suy nghĩ một lúc:

- Tô Châu thôi quan Quy Hữu Quang là người lão thành lắm kế, khá có uy vọng, hai ông đi hỏi ý kiến ông ta xem sao?

- Thật sao?

Hai người mừng rỡ:

- Hải đại nhân thật sự sẽ không bị mất chức luôn chứ?

Vừa nghe thấy Hải Thanh Thiên còn có ngày trở lại, chưởng quầy và Ngụy Hữu Điền liền cao hứng vỗ tay reo hò, căn bản không nghe thấy câu sau.

- Đương nhiên là không rồi.

Thẩm Mặc cười gượng:

- Các ngươi hiểu lầm phủ tôn đại nhân rồi, ông ấy cũng là Thanh Thiên đại lão gia...

Lời này y nói bản thân chẳng nhiệt tình lắm, vì người ta chắc chắn là không tin.

- Đúng thế, đúng thế.

Hai người kia gật đầu qua loa cho có lệ, rồi cao hứng thương lượng với nhau, chỉ cần Hải Thanh Thiên phục chức là sẽ tới phủ thành gõ trống kêu oan, Hải Thanh Thiên nhất định sẽ chủ trì chính nghĩa v..v..v.. Làm Thẩm Mặc ấm ức vô cùng.

May là hai người cũng nhìn ra y mất hứng rồi, vội vàng dừng câu chuyện, chưởng quầy đứng dậy nói:

- Không làm phiền công tử gia nữa, tôi làm cho ngài bánh Vạn Tam nóng và canh cá tỉnh rượu.

Ngụy Hữu Điền cũng nói:

- Vừa rồi quấy nhiễu nhã hứng của công tử gia, hiện giờ lão hủ đã ổn định được tâm tình, xin hát lại bồi tội cho công tử.

Nữ nhi của Ngụy Hữu Điền ngồi bên cạnh cũng vội đi tới, cùng phụ thân cầm lấy nhạc khí.

Nhược Hạm đi tới ngồi xuống, Thẩm Mặc gật đầu nói:

- Xin rửa tai lắng nghe.

Hai cha con liền thổi sáo gõ phách.

Qua một đoạn nhạc dạo đầu du dương, cô con gái khẽ hé môi thắm, cất giọng trong trẻo:

- Thi thoảng tản bộ, xem thử trò đời, bước vào hầu môn, dạo chơi trần cảnh. Ta nghiền ngẫm, nghèo khó tuy là cây cỏ, phú quý cuối cùng chỉ là phù vân. Kẻ gặp họa chắc gì không phải là phúc, kẻ được phúc chắc gì không phải họa. Thời thế biến đổi, tất cả cũng chỉ là giấc mộng mà thôi...

Quả nhiên là quét đi ưu tư nặng nề, giọng ca không uổng danh tiếng Côn Sơn.

Phu thê Thẩm Mặc dù nhiều lần nghe ca khúc Công Sơn lắm rồi, nhưng đều là trong khung cảnh trống lớn chiêng to, giọng ca bình thường mất vận vị. Chưa từng được nghe khúc tử uyển chuyển, thanh lệ, âm luật ưu mỹ, làm người ta cảm thấy mới mẻ như thế, bất giác chìm đắm vào trong đó.

~~~~~~~~~~~~

Đêm hôm đó phu thê họ Thẩm ở lại trong tiểu trấn, trọ tại một lữ xá bên dòng sông trong xanh.

Nhìn ngọn đền lưa thưa sót lại, Thẩm Mặc khoác áo ngồi trước cửa sổ, tay khẽ gõ lên cửa, miệng khẽ ngâm nga:

- Cười ngươi theo đuổi vinh hoa, ngươi là bọn chúng. Cười ta bôn ba bụi đất, rốt cuộc ta là ta. Hồi tưởng kim cổ đều là lời ngư tiều cả...

Dường như y vẫn chìm đắm trong khúc ca đẹp hàm ý xâu xa kia.

Du ngoạn suốt một ngày, Nhược Hạm có chút mệt rồi, dựa vào đầu giường cười khẽ:

- Nếu như tướng công thích, hay là chúng ta đưa cha con họ Ngụy từ Thái Thương tới Tô Châu, mời bọn họ mỗi ngày hát cho chàng nghe.

Qua hỏi thăm mới biết cha cọn bọn họ đang hát khúc Thủy Ma Xướng Khang cải biên thời Ngụy Lương, hiện giờ đang lưu truyền rộng rãi ở vùng Thái Thương, Côn Sơn.

- Ngụy Lương Phụ không phải là người hát rong bình thương đâu.

Thẩm Mặc bật cười:

- Ta sớm nghe Quy Hữu Quang nói rồi, ông ta là tiến sĩ năm Gia Tĩnh thứ năm, làm quan tới Sơn Đông tả bố chính sứ, sau khi nghỉ hưu, quyến quyến vườn lê, lập chí cải cách kh Côn Sơn. Ta thấy ông ấy còn phải gọi một tiếng lão đại nhân đấy, sao dám mới ông ấy lên sân khấu?

*

Vườn lê: Đường Huyền Tông từng dạy cung nữ ca múa hát hò ở vườn lê.

Nhược Hạm cả kinh:

- Không ngờ lại có người như thế à? Thiếp còn cho rằng...

Cảm thấy lời phía sau có chút đường đột, liền dừng lại không nói nữa.

Nhưng phu thê tâm ý tương thông, Thẩm Mặc nghe nửa câu đầu là biết nàng định nói gì sau đó, tiếp lời:

- Còn cho rằng làm quan đều nắm quyền ra sức kiếm tiền, nghỉ hưu thì sửa vườn tược chứ gì?


















trước sau

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc A/D để lùi/sang chương.
Tải APP đọc truyện OFFLINE và nghe AUDIO khi mua combo. Điểm danh hàng ngày nhận Lịch Thạch