Trần Quả ngẩng đầu nhìn Cầu Tuấn Cao đang ngồi ghế quan tòa cười lạnh gằn từng chữ:
- Kẻ có thù giết cha đoạt thê tử với tiểu nhân đang ở huyện Thu Hộ này. Kẻ đó làm nhiều điều ác, khi nam phách nữ, xem mạng người như cỏ rác, gây họa một phương ngay tại huyện Thu Hộ. Hơn thế, kẻ đó Cầu Thượng thư nhất định biết, y cùng họ với đại nhân, tên là Phưởng.
- Là Cầu Phưởng?
Cầu Tuấn Cao mặt biến sắc, giọng như hụt hơi:
- Ngươi nói... ngươi nói là muốn tố cáo Cầu Phưởng ư?
- Đúng vậy.
Trần Quả cười lạnh, tiếp lời:
- Cầu Phưởng là con trai trưởng của đại nhân, đại nhân đương nhiên sẽ không thể không biết y là ai.
Lời vừa nói ra, cả sảnh đường đều giật mình.
Trông thấy đồng tử Cầu Tuấn Cao co lại, Tề Vương ngay lập tức cảm thấy khoái trí. Hắn liếc sang phía Thái tử, chỉ thấy khuôn mặt lúc trước còn bình tĩnh phẳng lặng như nước giờ đã có chút biến động. Đôi chân mày của Thái tử cũng hơi nhíu lại.
Cầu Tuấn Cao dường như có chút bất ngờ đến mức trở tay không kịp. Kinh đường mộc lại vang lên, ông trầm giọng hỏi:
- Trần Quả, ngươi tố cáo Cầu Phưởng có thù giết cha với ngươi, có hận cướp thê tử của ngươi, vậy chứng cứ đâu?
- Nếu như có chứng cứ, đại nhân có làm theo lẽ công bằng không?
Trần Quả cũng nhìn thẳng vào Cầu Tuấn Cao hỏi lại.
Không để Cầu Tuấn Cao kịp trả lời, Tề Vương cất giọng:
- Cầu thượng thư làm người quang minh lỗi lạc, hổ phụ không đẻ ra quân khuyển tử, người đừng có ăn nói hàm hồ ở chốn này.
- Thảo dân đương nhiên không dám ăn nói hàm hồ. Nếu không có chứng cớ, cũng không dám đến đây.
Trần Quả lớn tiếng trả lời.
Cầu Tuấn Cao khóe mắt hơi run run, nhưng vẫn cố giữ thái độ bình tĩnh, cất giọng nghiêm nghị nói:
- Bản quan nắm giữ các bản án hình sự của quốc gia, phá án giải oan, từ trước tới nay chỉ đối sự bất đối nhân. Tên Cầu Phưởng mà ngươi nói quả thực là con trai của ta. Nhưng, nếu như nhà ngươi chứng minh được Cầu Phưởng thực sự hại phụ thân ngươi, cướp đoạt thê tử ngươi, thì dù cho y là con đẻ của ta, bản quan vẫn sẽ tự đưa y ra đoạn đầu đài.
Giọng Cầu Tuấn Cao gióng giả và chắc nịch.
Trần Quả cười to nói:
- Được, có lời này của đại nhân, thảo dân dám kêu oan rồi. Thảo dân đã đưa nhân chứng tới đây, lại có cả vật chứng nữa. Đại nhân muốn xem gì trước.
- Đưa nhân chứng tới đây.
Một lát sau, ba nhân chứng được đưa tới trước công đường. Hai người tuổi tầm đã quá năm mươi, còn một nhân chứng chắc tầm hơn ba mươi tuổi. Đợi ba người quỳ cả xuống, Cầu Tuấn Cao trầm giọng hỏi:
- Các ngươi đều là người huyện Thu Hộ?
- Bẩm đại nhân, chúng con đều là dân của huyện Thu Hộ, là người của Trần Thị Tộc.
- Hả?
Cầu Tuấn Cao nghiêm nghị hỏi tiếp:
- Các ngươi có biết Cầu Phưởng không?
- Bẩm đại nhân, Cầu Phưởng là người có tiếng của Kim lăng đạo, có biết bao ruộng đất ở huyện Thu hộ, thế nên chúng con đều biết cả.
- Được.
Cầu Tuấn Cao giữ nguyên thái độ bình tĩnh, hỏi tiếp:
- Trần Quả khiếu nại Cầu Phưởng giết cha hắn, cướp thê tử hắn, các ngươi có làm chứng cho hắn chuyện này không?
- Bẩm đại nhân, chúng con có thể làm chứng. Việc này rất nhiều người ở huyện Thu Hộ đều biết.
Một nhân chứng trả lời, hắn lại tiếp:
- Cầu Phưởng cưỡng hiếp thê tử Trần Quả trong đúng ngày kết hôn của họ. Làm nhục thê tử hắn chưa xong, y còn dùng năm trăm lạng bạc ròng cướp đi Trần Điền Thị. Cha Trần Quả lên kinh giải oan, ngang đường cũng bị hại chết.
Sắc mặt Thái tử vẫn lạnh tanh, không biểu lộ thái độ. Cầu Tuấn cao chân mày nhíu chặt hơn, hỏi tiếp:
- Trần Quả, ngươi nói Cầu Phưởng giết cha ngươi, đoạt thê tử ngươi, có vật chứng gì?
Trần Quả lấy từ trong lòng ra một thứ, nói:
- Đại nhân, đây là khế ước còn giữ lại được từ khi Cầu Phưởng cướp thê tử tôi. Y đã để lại năm trăm lạng bạc ròng, ép tôi bán thê tử. Trên này giấy trắng mực đen viết rất rõ ràng. Hơn thế, ở đây còn có dấu tay của Cầu Phưởng. Thảo dân lúc đó cũng bị họ cưỡng ép lấy dấu tay. Việc này có nhiều người có thể chứng kiến. Hơn nữa, thê tử tôi là người trong cuộc, có thể làm chứng cho việc này.
Trần Điền thị hai mắt đẫm lệ, nói:
- Đại nhân, Cầu Phưởng đã làm ô uế thảo dân, dùng năm trăm lượng bạc ròng ép bán dân phụ, cướp đoạt đòi mang về phủ. Dân phụ không theo, y còn uy hiếp sẽ đem cả nhà già trẻ, lớn bé mang ra giết cả.
- To gan.
Tề Vương nhổm người lên, nói giọng giận dữ:
- Quả nhiên là vô pháp vô thiên!...
Rồi hắn quay sang nhìn Cầu Tuấn Cao hạ giọng nói:
- Cầu thượng thư, việc này rốt cuộc là làm sao? Con trai ngươi, tại sao lại có thể làm một việc không bằng cầm thú như thế?
Thái tử khẽ ngẩng đầu lên, cất giọng thản nhiên:
- Doanh nhân, sự tình còn chưa sáng tỏ, ngươi vội gì? Đợi khi có kết quả rồi hãy nói, thế há chẳng hơn sao?
Tề Vương ngồi xuống với dáng vẻ bực tức.
Cầu Tuấn Cao do dự một chút, cuối cùng nói:
- Các ngươi đều là đều là người của Trần Thị tộc. Bản quan không thể chỉ tin lời của một bên. Có còn nhân chứng khác không?
- Đại nhân, ngài cũng hiểu rõ, ngài là Hình bộ Thượng Thư, Cầu Phưởng là Kim Lăng bá chủ một phương. Nếu là dân thường, ai lại dám ra đây làm chứng?
Trần Quả tức giận trả lời.
Cầu Tuấn Cao chau mày nói:
- Ngươi nói Cầu Phưởng giết cha ngươi, vậy còn có chứng cớ gì?
- Chuyện này...
Trần Quả khẽ giật mình, nhưng rất nhanh hắn tiếp lời:
- Cầu Phưởng cướp thê tử tôi, gia phụ tôi thượng kinh giải oan, đến nửa đường đột tử. Sức khỏe của ông vốn rất tốt, lại chẳng có bệnh tật gì, sao tự nhiên lại đột tử như vậy? Há chẳng phải Cầu Phưởng sợ hãi việc xấu động đến kinh thành nên nửa đường đã hãm hại sao.
- Nói như vậy thì ngươi chẳng có chứng cớ xác thực gì, chỉ là phỏng đoán lung tung thôi phải không?
Cầu Tuấn Cao nghiêm giọng hỏi, ông tiếp:
- Hình bộ xử án phải cần chứng cớ chính xác. Nếu ngươi không đưa ra được chứng cớ xác thực, bản quan không thể tin vào những suy đoán của nhà ngươi. Trời đất nắng mưa khó đoán, con người ta sống chết họa phúc khó lường, việc sinh tử là do trời định trước. Nếu không bằng không cứ, làm sao ngươi có thể đoán định được phụ thân ngươi vì nguyên nhân gì mà chết?
Trần Quả nghiến răng nghiến lợi nói:
- Cho dù thù giết cha không có chứng cớ trong tay, nhưng tội cướp thê tử của tôi thì nhân chứng, vật chứng đều đầy đủ cả.
- Việc này bản quan tự khắc còn muốn điều tra thêm.
Cầu Tuấn Cao chậm rãi đáp lời, ông tiếp:
- Không phải bản quan bao che. Nhưng nếu chỉ dựa vào mấy người các ngươi mà đưa ra phán quyết thì nhất định là không được. Đây cũng không phải là vì Cầu Phưởng, dù cho là ai, bản quan khi xử án đều phải cẩn thận từng li từng tí, không được qua loa. Đây là việc đại sự liên quan đến mạng người, bản quan quyết không để oan uổng cho người tốt. Nhưng, các ngươi cũng cứ việc yên tâm, bản quan trước nay chưa bỏ qua cho một kẻ ác nào.
Trong lòng Tề vương có chút lo lắng, mà thứ hắn bận tâm nhất chính là một ít chứng cứ khác đang nằm trong tay phu thê nhà Trần Quả.
Trần Điền Thị đã tìm thấy được thư riêng của cha con Cầu Phưởng.
Bên trong thư có chứng cớ về việc cha con nhà họ Cầu tham ô nhận hối lộ. Chỉ cần đưa được chứng cớ này ra, Cầu Tuấn Cao chắc chắn sẽ rớt đài.
Nhìn thấy phu thê nhà Trần Quả cứ xoắn lại với mối thù giết cha cướp thê tử, trong lòng Tề vương lại càng sốt ruột. Hắn chỉ lo hai người kia quên mất trong tay họ còn có những chứng cớ có thể đòi lấy mạng người kia. Nhìn thẳng vào Trần Điền Thị, Tề vương hỏi:
- Trần Điền Thị, ngươi nếu đã bị đưa đến Cầu phủ, chắc phải rõ Cầu phủ như thế nào. Ngươi có thể nói ra phong cách kiến trúc của Cầu Phưởng ra sao không?
Hắn nói vậy kỳ thực là để nhắc nhở Trần Điền Thị khẩn trương lôi mấy phong thư kia ra.
Thế nhưngTrần Điền Thị dường như không hiểu ý của Tề Vương, trả lời:
- Đại nhân, dân phụ tuy bị cưỡng ép đưa vào phủ, nhưng vẫn bị nhốt trong một xó, Cầu phủ không cho dân phụ tự ý ra vào.....!
Thái tử đột nhiên hỏi lại, giọng rất nhỏ:
- Trần Quả, ngươi có oan khuất như thế, sao không đi khiếu nại với nha môn địa phương?
Trần Quả chững lại, nhưng lập tức trả lời ngay:
- Bẩm đại nhân, biết tố nơi nào!
- Hả? Tại sao lại như vậy?
Thái tử hỏi.
- Huyện lệnh Thu Hộ là quan phụ mẫu một phương, chẳng nhẽ lại chỉ vì kiêng kỵ Cầu Phưởng mà không dám giải oan cho nhà ngươi ư?
- Bẩm đại nhân, cũng không hẳn vậy, mà là huyện lệnh của huyện Thu Hộ đã chết rồi.
Trần Quả nức nở, tiếp:
- Gia phụ của tôi chính là tiền nhiệm huyện lệnh Thu hộ tên Trần Lam.
Tất cả mọi người trong sảnh đường cả kinh.
- Trần Lam?
Cầu Tuấn Cao mở to hai mắt, nghẹn họng nhìn trân trối vào Trần Quả hỏi lại:
- Ngươi nói nhà ngươi là con trai của Trần Lam?
Trần Quả ngửa đầu than:
- Đúng vậy, gia phụ đúng là tiền nhiệm huyện lệnh huyện Thu Hộ, Trần Lam.
Cầu Tuấn Cao nhíu mày, hỏi lại thêm một lần nữa:
- Trần Quả, ngươi chắc là mình không bị sốt đấy chứ? Ngươi nói ngươi là con trai Trần Lam.... Điều này... làm sao có thể được?
- Đại nhân, thảo dân chính là con trai Trần Lam.
Trần Quả trả lời bằng giọng quả quyết.
Cầu Tuấn Cao do dự một lúc rồi cuối cùng lại hỏi:
- Bản quan hỏi nhà ngươi, thê tử nhà người bị cướp mất lúc nào? Bản quan lại hỏi, phụ thân ngươi bị giết lúc nào?
- Cầu Phưởng gần 3 năm trước cướp thê tử của tôi. Gia phụ cũng bị hại khoảng hai năm trước.
Cầu Tuấn Cao trầm mặc hồi lâu, đột nhiên đứng dậy đi đến bên Thái tử. Ông nói khẽ vào tai Thái tử vài câu. Thái tử chân mày nhíu lại, liếc sang phía Trần Quả một cái, dáng vẻ trầm ngâm. Lúc này, Cầu Tuấn Cao lại nói nhỏ vào tai Thái tử đôi câu.
Tề vương trông thấy hai người thì thầm bàn tán trong lòng cười lạnh. Hắn nghĩ, Cầu Tuấn Cao hiển nhiên cảm thấy nguy hiểm đang rình rập nên chân tay luống cuống, tìm tới Thái tử xin thỉnh giáo.
Chỉ là trong lòng Tề vương rất rõ ràng một điều, chỉ cần phu thê nhà Trần Quả đem mấy phong thư kia ra, cha con nhà Cầu Tuấn Cao dù có là đại la kim tiên thì cũng khó lòng bảo vệ mình. Đến lúc đó, cho dù có là Thái tử thì cũng khó lòng bảo vệ được.
Cầu Tuấn Cao đi đến bên cạnh, chỉ nói đôi câu vào tai một tên sai dịch. Tên sai dịch sau khi nghe lệnh lập tức chắp tay rời khỏi đại sảnh.
Tề Vương hơi cau mày. Không biết Cầu Tuấn Cao và Thái tử có âm mưu đen tối gì.
- Trần Quả, việc này liên quan đến những vấn đề trọng đại. Bản quan phải hết sực cẩn trọng.
Cầu Tuấn Cao trở lại vị trí chủ thẩm, ông nói tiếp:
- Các ngươi đợi một lát, sẽ không quá lâu đâu.
Tề vương nhịn không được hỏi:
- Cầu đại nhân, tại sao không tra thẩm tiếp? Thái tử ca ca và Bản Vương bận nhiều việc quốc sự. Chẳng lẽ chúng ta phải đợi ở đây cùng ngươi hay sao?
- Hồi bẩm phụ quốc, việc này quả thực phải đợi.
Cầu Tuấn Cao nghiêm nghị trả lời, ông tiếp:
- Thời gian chờ đợi sẽ không quá lâu, nhưng chỉ một lát thôi, vụ án sẽ có kết quả, kính xin phụ quốc thứ tội.
Tề Vương còn muốn nói gì nữa, nhưng Thái tử đã cất lời:
- Doanh Nhân, Cầu thượng thư hành sự cẩn thận, chắc không có gì sai. Dù đợi thêm chút mà có thể làm sáng tỏ sự việc thì ngươi hà tất phải sốt ruột chứ?
Tề Vương muốn nói lại đôi câu nhưng cuối cùng lại thôi. Trong lòng hắn nghĩ dù sao thì các ngươi có chơi trò gì chăng nữa, chỉ cần mấy phong thư kia vào đến tay, lúc đó kết quả có ngay.
Hắn nhìn sang hướng Trần Quả, hi vọng Trần Quả có thể hiểu được ý mình. Nhưng, lúc này cả công đường đang rất yên lặng. Phu thê nhà Trần Quả và ba nhân chứng đã cúi đầu im lặng.
Bầu không khí trong Hình bộ đại dường như ngưng đọng lại. Không ai nói thêm một câu nào, chỉ nghe thấy tiếng hít thở khiến cho người ta cảm thấy lồng ngực như bị đè nén, khó thở.
Cũng may là quả thật không để cho mọi người phải chờ quá lâu.
Không đầy một tuần hương sau đó, mọi người đều nghe thấy tiếng bước chân tới. Tên sai dịch ban nãy bước vào trước, hắn chắp tay nói với Cầu Tuấn Cao:
- Đại nhân, người đã được đưa tới.
Cầu Tuấn Cao giãn chân mày ra, nói:
- Để ông ta vào.
Tề Vương khẽ giật mình. Giờ hắn mới hiểu tên sai dịch đi là để tìm người tới. Chỉ là hắn chưa biết người tới là ai. Người thuộc bậc tôn quý nhất kinh thành này, ngoài Thái tử ra thì chính là Tề vương hắn. Giờ vụ án này dù cho có ai nhúng tay vào cũng không có cách nào thay đổi được.
Mọi người nhìn thấy một nhân vật mặc quan bào bước nhanh vào công đường. Đi đến bên cạnh Trần Quả, ông ta quỳ xuống đất, dập đầu nói:
- Bỉ chức bái kiến Thái tử điện hạ, Tề vương điện hạ, bái kiến Cầu bộ đường!
Cầu Tuấn Cao giơ tay lên chỉ Trần Quả, hỏi viên quan mới đến:
- Nhà ngươi có biết hắn không?
Viên quan nọ nhìn kỹ Trần Quả rồi lắc đầu. Cầu Tuấn Cao lại chỉ vào viên quan nọ và hỏi Trần Quả:
- Trần Quả, ngươi biết ông ta chứ?
Trần Quả cũng nhìn sang bên phía viên quan với ánh mắt dò xét, lắc đầu.
Tề vương không nhịn được, buột miệng hỏi:
- Cầu đại nhân, ông ta là ai?
Cầu Tuấn Cao chắp tay cung kính nói:
- Phụ quốc, người này họ Trần, tên là Lam. Hiện nay đang nhiệm chức tại huyện Thu Hộ Kim Lăng đạo. Hắn chính là Huyện lệnh Thu Hộ.