Dã nhân và Hắc Hùng giằng co rất lâu, Hắc Hùng khỏe hơn, nhưng dã nhân linh hoạt hơn, tuy không thông minh hơn Hắc Hùng là mấy, nhưng biết sử dụng gậy và gạch đá, cuối cùng dùng đá đập bể đầu Hắc Hùng.
Hắc Hùng chết, dã nhân rất hưng phấn, ngửa đầu gầm hét, rõ ràng nó không biết nói, vì âm tiết phát ra rất hỗn loạn. Gầm hét xong, nó bắt đầu ăn, đúng kiểu ăn sống nuốt tươi. Nó biết lấy đá nhọn rạch da Hắc Hùng, ăn mỡ và nội tạng vì những chỗ này mềm, giá trị dinh dưỡng cao, trời đông rét lạnh, nó ngồi ngay cạnh xác con gấu còn nóng hổi mà ăn.
Tả Đăng Phong thấy vậy, tạm thời quyết định không trở về sơn động, mà vác hòm gỗ cùng Thập Tam đi theo nó. Con dã nhân đã ăn no, kéo phần xác gấu còn lại đi về phía đông khu rừng.
Tả Đăng Phong và Thập Tam đi theo nó từ xa, tuy Tả Đăng Phong cảm giác con dã nhân này không phải cự nhân hắn muốn tìm , nhưng hắn biết một ít khoa học phương tây, hắn biết trong giống linh trưởng không có loài dã nhân này. Nói cách khác, dã nhân không thuộc về tiến hóa đương nhiên, nên Tả Đăng Phong rất ngạc nhiên, tò mò muốn xem nó rốt cuộc là cái giống gì.
Hắc Hùng quá nặng, dã nhân kéo rất vất vả, đi mới được một quãng đã buông, ngồi phịc xuống tiếp tục ăn uống, ăn được vài miếng lại đứng lên kéo tiếp. Động tác này chứng tỏ chỉ số thông minh của nó kém con người rất xa, nó chỉ nghĩ ăn bớt đi để cái xác nhẹ đi một chút, nhưng không biết ăn có chút xíu như vậy thì căn bản là chẳng giảm bớt đi được mấy tí.
Dã nhân cứ đi một quãng lại ngừng, mãi đến hừng đông mới về tới sơn động. Sơn động này cách mặt đất có hơn một mét, ngoài cửa có một khối đá rất lớn chắn đường. Dã nhân đẩy khối đá, lôi xác Hắc Hùng vào rồi, cũng không trở ra đẩy đá lấp cửa lại nữa.
Tả Đăng Phong ở bên ngoài chờ, nghiêng tai lắng nghe bước chân dã nhân, thấy cái động này không sâu, không quá 10m. Tả Đăng Phong cẩn thận quan sát chung quanh, thấy chung quanh đều là rừng rậm, đầy bụi gai và cỏ dại, chỉ có một con đường nhỏ dẫn tới sơn động do dã nhân dẫm đạp mà thành, con đường này đã bị giẫm bằng, mặt đường không có cỏ dại, chứng tỏ dã nhân ở đây đã khá lâu.
Mặt trời đã mọc, Thập Tam bò lên cây to, tìm một chỗ phơi nắng rồi nằm phịch xuống ngủ, Tả Đăng Phong núp trong bóng tối lắng nghe thanh âm trong động. Dã nhân trong động tạo âm thanh ăn uống, không lâu sau vang lên tiếng ngáy, nó đã ngủ rồi.
Kiên nhẫn đợi nửa giờ, Tả Đăng Phong cảm giác dã nhân đã ngủ say, mới đề khí khinh thân chậm rãi đi vào sơn động. Sơn động này hình thành đương nhiên, cao rộng đều khoảng ba mét, loại sơn động này có rất nhiều ở núi Thần Nông, Tả Đăng Phong nhìn quanh, chắc chắn không còn ai khác mới khẽ bước đi về phía trước.
Sơn động không thẳng, về hướng bắc được 3-4m thì quẹo, hai đầu thông đạo lả tả ít rễ cây và xương nhỏ, quẹo vào thì đến một chỗ rộng khoảng mười mét vuông, chất đầy vỏ quả cứng, xác quả và xương động vật, con dã nhân nằm trong đống cỏ tranh lộn xộn ngáy o..o..., xác con gấu để ngay gần chỗ nó. Nơi này rất khô ráo, nhưng đầy mùi thối.
Dã nhân vẫn ngáy ngủ, tiếng ngáy cho thấy nó ngủ rất say. Tả Đăng Phong cẩn thận tìm tòi, không có thấy được dấu tích gì của thời cổ đại còn sót lại, chứng tỏ đây chỉ là nơi con dã nhân ở mà thôi.
Ngay tại Tả Đăng Phong định rời đi thì nhìn thấy trong đám cỏ dã nhân nằm có một bộ xương người. Trong cả sơn động chỉ có một bộ xương này là của con người, cũng chỉ có bộ xương này là còn nguyên vẹn, bộ xương bám đầy bụi bặm, chứng tỏ người chết đã lâu.
Trong một sơn động không dấu chân người lại có xương người khiến Tả Đăng Phong nghi hoặc, lặng lẽ tới gần nhìn cho kỹ, thấy bộ xương ở tư thế nằm, hoàn toàn nguyên vẹn. Tả Đăng Phong không phải học giả nghiên cứu về sinh học, nhưng hắn vẫn đoán được đó là một phụ nữ, chết vì khó sinh. Hắn đoán như vậy là vì bộ xương có phần xương chậu rất nhỏ, hắn đoán đây là một người phụ nữ bị dã nhân bắt đến đây. Bộ hài cốt nằm ngay tại chỗ dã nhân ngủ, chứng tỏ khi còn sống cô luôn bị dã nhân trông giữ, không cho bỏ trốn.
Tả Đăng Phong lùi ra, hắn đã hiểu đại khái về dã nhân. Đầu tiên có thể khẳng định số lượng dã nhân không nhiều, nếu không dã nhân đực đã không phải đi bắt phụ nữ nhân loại. Thứ hai là dã nhân cũng có nhân tính, bắt nữ nhân là vì nhu cầu sinh lý thật, nhưng có lẽ nó cũng có tình cảm với nữ nhân này, nếu không thì đâu có chuyện người kia chết lâu vậy rồi mà nó vẫn không nỡ động tới xương cô.
Đi ra khỏi sơn động, Tả Đăng Phong đánh thức Thập Tam, quay về sơn động đêm qua nhóm lửa nấu cơm. Hắn không muốn bám theo con dã nhân kia nữa, vì nó chỉ có một mình, không ở chung bầy đàn, đi theo nó cũng chẳng thu hoạch được gì.
Có một điều Tả Đăng Phong vẫn chưa hiểu là dã nhân này từ đâu mà ra. Kích thước của nó nhỏ hơn cự nhân của nước Lô năm đó quá nhiều, nhưng lại quá cao so với người thường, chỉ số thông minh không bằng nhân loại, nhưng lại biết sử dụng công cụ...
Tả Đăng Phong sau khi ăn xong thì ngủ một giấc, ngủ dậy thì trời đã là giữa trưa, thời tiết rất tốt, Tả Đăng Phong sảng khoái tinh thần, vấn đề vốn nghĩ mãi không ra giờ đương nhiên thông suốt. Bộ xương nữ trong sơn động chắc chắn khi còn sống đã mang thai , đương nhiên là khi bị dã nhân bắt thì đã mang thai rồi, nhưng cũng rất có khả năng đó là thai con của dã nhân. Con của dã nhân to hơn người thường, nên đây có lẽ là nguyên nhân khiến cô khó sinh mà chết. Con người có thể mang thai con của dã nhân, nếu như sinh ra chính là một tạp chủng, tên tạp chủng này khi lớn lên chắc chắn sẽ to hơn mẹ nhiều, nhưng lại nhỏ con hơn bố.
Đến đây, Tả Đăng Phong rút ra một kết luận, dã nhân hôm qua hắn nhìn thấy rất có thể cũng là một tạp chủng, là do cự nhân nước Lô và thường nhân tạp giao sinh ra.
Hắn ra suối nước, tắm rửa sạch sẽ, rồi tiếp tục đi về hướng bắc. Hậu nhân nước Lô quốc ở đây, vậy thì chứng tỏ thành trì nước Lô năm đó cũng ở gần đây.
Đi từ giữa trưa, đến sáng sớm hôm sau đã đến biên giới khu rừng ở sườn đông, Tả Đăng Phong đi lên hướng bắc hai mươi dặm thì quay sang phía tây, lúc đầu hắn không thấy gì lạ, nhưng dần dần hắn thấy kỳ, hắn đi luôn là đường thẳng, dù có bị lệch cũng sẽ không bị quá nhiều, nhưng bây giờ cảnh vật trước mắt lại làm hắn có cảm giác rất quen thuộc, hình như đã từng đi qua đây.
Cảm giác này không phải là ảo giác, vì hắn nhận ra mình đang đứng ngay trước đống tro mình nhóm để nướng gà rừng. Điều này chứng tỏ thay vì đi hướng tây, hắn đã vô hình đi chếch thành hướng nam.
Loại tình huống này chưa bao giờ gặp, nên Tả Đăng Phong cảm thấy nghi hoặc, nhưng hắn cũng không để ý, nghĩ mình không cẩn thận đi lệch đường mà thôi. Đến sau khi đi mãi về hướng tây đến biên giới, chuyển sang hướng bắc đi thêm bốn mươi dặm rồi nhìn sang hướng đông, hắn lại thấy mình đang đứng trước đống tro. Giờ thì Tả Đăng Phong đã nhận ra là có vấn đề, đi nhầm hai mươi dặm không nói, bây giờ đi hơn bốn mươi dặm vẫn nhầm là sao?
Tả Đăng Phong đưa tay nhìn, thấy đồng hồ vẫn chạy bình thường, từ lúc bắt đầu xuất phát đến giờ đã mất hơn tám tiếng, điều này cũng không đúng, vì lần trước hắn chỉ mất có hơn bảy tiếng, cả hai lần đều không hề nghỉ ngơi, như vậy hơn một tiếng đồng hồ dư ra này chính là do đi đường vòng.
Nhận ra có vấn đề, mấy ngày tiếp theo Tả Đăng Phong luôn tay nướng gà, dùng linh khí cắt nát trên trăm cây đại thụ, sau đó đem đại thụ kéo tới đỉnh núi, phân thành ba chồng, trên mỗi chồng đều có ít cỏ khô, đem cỏ dại chung quanh nhét dưới ba chồng cây đại thụ, đốt cả ba đống cây lên, sau đó lướt thẳng qua hướng đông.
Lướt đến biên giới hắn quay đầu nhìn lại, thấy khói đang ở hướng chính tây, hắn rẽ sang hướng bắc, đi khoảng gần trăm dặm, quay đầu nhìn lại thấy khói rõ ràng đang ở phía chính nam.
Xác định được phương vị, Tả Đăng Phong bắt đầu lướt về hướng tây, hắn cố gắng một đường đi thẳng, nhưng cuối cùng vẫn đi lệch, lai quay về ngọn núi, lúc này ba chồng cây đã cháy hết.
Thí nghiệm lần này khiến Tả Đăng Phong hiểu hắn đã gặp phải trận pháp. Trận pháp này quá lớn so với tưởng tượng của hắn, trận pháp này cất giấu một khu vực không nhỏ, khiến người bên ngoài không thể nhìn thấy và cũng không thể đi vào. Trận pháp ẩn hình này có lẽ có hai tầng, tầng thứ nhất che phủ diện tích rất rộng, nhưng chỉ ngăn cản động vật, không có tác dụng đối với con người, cũng chính là tầng trận pháp thứ nhất làm cho động vật trong khu vực Thần Nông không ra ngoài được, dẫn đến sinh sôi nảy nở quá mức và bị bạch tạng. Có lẽ hắn đang ở tầng thứ hai, tầng này cách trở cả người lẫn vật, chỉ cần phá vỡ trận pháp chỗ này, là có thể đi vào một khu vực chưa bao giờ có dấu chân người ngoài.
Ngọn núi này có lẽ là ranh giới phía nam của trận pháp, nhưng nếu chỉ dựa vào một ngọn núi này, Tả Đăng Phong không đoán nổi phạm vi của nó, cũng không biết ngọn núi này là hình chữ v, hay hình chữ u. Nếu là chữ v thì có thể là trận Ngũ Hành hình ngũ giác, nếu như chữ u vậy thì phức tạp hơn, có thể là trận Ngũ Hành mà cũng có thể là trận Âm Dương.
Uy lực của trận pháp đại khái có thể chia làm hai loại, một loại là trận pháp thuộc càn, trận hình hay thay đổi, uy lực cực lớn, loại kia là trận pháp thuộc khôn, chỉ có thể là hình vuông, uy lực nhỏ bé, đi theo đường tròn. Tòa trận pháp vô hình này chắc chắn là trận pháp thuộc càn, còn là trận pháp còn nguyên vẹn , muốn đi vào phải phá trận.
Dù sao tìm được biên giới của trận, cũng đã gọi là thu hoạch, việc tiếp theo phải làm là xác định phạm vi trận pháp bao trùm. Đây là công việc nặng nề nhất, tốn thời gian công sức nhất, Tả Đăng Phong tốn hơn mười ngày dùng phương pháp xác định biên giới mới tìm ra được trận pháp là hình tròn, khu vực che dấu có đường kính hơn ba trăm mét.