Người phục vụ trố mắt nhìn Vương Anh dọn dẹp xong xuôi, chén đĩa để lại đều sạch bong kin kít. Cô ấy ngơ ngác thu dọn chén đĩa, nói với nhân viên phụ rửa rau "Tôi đúng là được mở mang tầm mắt."
Ai mà ngờ được người này lại nhắm vào nước kho mà đến.
Từ Sương nghe tiếng xì xà xì xầm sau bếp, thuận theo cửa sổ liếc nhìn ra bên ngoài.
Một bóng người gầy yếu đang đứng trước cửa tiệm cơm, trong tay xách một hộp cơm được gói ghém bằng vải bố.
Vương Anh bên này ôm cái hộp đựng đầy nước kho kỹ quý báu, cũng không vội trở về nhà.
Cô đi loanh quanh để nắm rõ mấy nơi quan trọng trong thị trấn. Thị trấn Tây Pha cách huyện thành không xa lắm, nhưng mấy công xã quanh đó lại đều chẳng thiết đến chuyện vào huyện thành.
Nghĩ cũng phải, nếu muốn vào huyện thành, một ngày chỉ có một chuyến xe, bỏ lỡ rồi thì chỉ có thể tự nghĩ cách khác. Đi huyện thành còn phải xin thư giới thiệu, muốn được đại đội trưởng đồng ý thì phải có lý do chính đáng, vào huyện thành rồi còn phải mang theo thư giới thiệu bên mình đề phòng đội trật tự tra xét.
Tốn công tốn sức như vậy cho nên việc gì có thể làm trong trấn thì mọi người đều không muốn vào huyện thành.
Là thị trấn gần với huyện thành nhất và còn là nơi có đường xá thông suốt nhất nên rất nhiều đồ trong huyện thành có thì ở trấn Tây Pha đều có cả.
Cửa hàng cung ứng, trạm y tế, trạm chăn nuôi, trường học, nhà máy phích nước nóng,...
Vương Anh vừa đi dạo vừa suy nghĩ về đầu ra của mình.
Cứ thế đi mãi, đến cổng trường cấp ba trong trấn thì Vương Anh liền dừng bước.
Nguyên chủ đã tốt nghiệp vào ba tháng trước, sau khi cầm được bằng tốt nghiệp thì chẳng mấy khi ghé qua trường. Vương Anh lục lọi trong ký ức của nguyên chủ, trong ký ức của cô ấy cuộc sống ở trường cấp ba cũng không để lại ấn tượng gì tốt đẹp.
Nguyên chủ ở nhà thường xuyên bị bắt nạt, đi ra ngoài cũng không thích nói chuyện, thêm vào đó trên người cô ấy lúc nào cũng mang áo quần rách rưới, đứng chung với các bạn học cũng cảm thấy có chút tự ti. Bởi vậy nên xét cho cùng thì cuộc sống ở trường cấp ba của nguyên chủ cũng chẳng có gì để lưu luyến cả.
Lúc Vương Anh đang nghĩ vậy và định rời đi thì bỗng nghe thấy trong trường có tiếng ồn ào, tiếp theo đó là một đám học sinh ồ ạt xông ra ngoài.
"Đả đảo xú lão cửu*!"
*Xú lão cửu là cách gọi miệt thị phần tử trí thức trong Đại cách mạng văn hóa ở Trung Quốc.
"Đả đảo lũ đầu trâu mặt ngựa!"
"Đả đảo đàn bà lăng loàn!"
Một đám học sinh choai choai miệng hô to khẩu hiệu chạy ra ngoài, có mấy người cầm đầu còn đeo băng trên cánh tay.
Vương Anh nhíu mày, huyện Nam Chiêu này là nơi xa xôi hẻo lánh, muốn đến chợ phải ngồi xe hơn nửa ngày trời, muốn lên tỉnh thì phải đi tàu hỏa suốt một ngày, cách thủ đô xa tít tắp cả ngàn vạn dặm. Bởi vì chỉ là một vùng nhỏ bé cho nên mặc dù mọi người đều biết hiện giờ bên ngoài đang loạn lạc, nhưng ai cũng nghĩ cùng lắm cũng chỉ loạn đến huyện thành là hết cỡ.
Ít nhất là lúc nguyên chủ còn đi học thì không có những chuyện này, bây giờ mới hai ba tháng ngắn ngủi trôi qua thôi mà làn sóng đã tràn đến thị trấn.
Vương Anh mang tâm trạng nặng nề rời khỏi trường học, lúc về đến đại đội thì trời đã chập choạng tối.
Cơn giận của Vương Linh Linh đã tích đầy một sọt, từ buổi sáng cô ta đã đợi Vương Anh cắt cỏ lợn để cô cho lợn ăn, đợi đến buổi chiều vẫn chẳng thấy người đâu.