Báo lỗi, nhờ hỗ trợ, yêu cầu cập nhập.
Thập Niên 60: Làm Giàu Dạy Con

Chương 24: Không thừa một cắc

Chương 24: Không thừa một cắc



Thấy cô bằng lòng, nhân viên bán hàng cùng chồng sắp cưới nhẹ nhàng thở ra một hơi.

Hai người bọn họ đúng là đang chuẩn bị cho việc kết hôn phân gia.

Lâm Thanh Hoà nói với người đàn ông: “Sau này không kiếm được than đá, tôi sẽ đến tìm vợ anh đấy nhé.”

Người đàn ông gật đầu: “Việc này đừng để người khác biết.”

Lâm Thanh Hoà cười: “Tất nhiên rồi, ba đứa nhỏ nhà tôi muốn uống nước ấm đều phải dựa vào than đá của hai người đó.”

Cáo biệt, người đàn ông xách theo túi da rắn bên trong đựng cái nồi sắt, đạp xe rời đi, Lâm Thanh Hoà gọi Chu Đông lại.

Lại một lần nữa Chu Đông ngây ngốc khi thấy một cái bếp lò và hơn phân nửa túi than đá.

Trời đất thím có bản lĩnh thông thiên hả, những thứ này chỉ có người trong thành phố mới có thể dùng thôi đấy.

Má ơi…một đống tiền !?

Lâm Thanh Hoà lại chạy qua chợ đen một chuyến coi như lên sân khấu một lần nữa. Cô lấy trong không gian thêm một cái nồi sắt hai tay cầm nữa, bỏ vào trong túi da rắn rồi đường hoàng bước ra khỏi chợ đen xếp đồ lên xe kéo.

Quay lại cửa hàng bách hoá mua thêm mấy thứ vật dụng hàng ngày như chậu rửa chân, chậu rửa mặt. Trên tiệm bày bán mũ cho trẻ em, loại có tai dài giúp giữ ấm lỗ tai vào mùa đông, Lâm Thanh Hoà mua ba cái cho ba đứa, tốn ba trương phiếu công nghiệp.

Phiếu công nghiệp từ đợt trước Chu Thanh Bách gửi về, còn dư lại vài tờ, Lâm Thanh Hoà mua thêm vài cuộn len tính đan áo len cho mấy đứa nhỏ.

Muốn mua vớ phải cần có phiếu vải, mua giày cần phiếu công nghiệp. Hôm nay cô dùng hết phiếu mất rồi, đành tính cách khác vậy.

À cây vải kia may quần áo chắc chắn dư, lấy làm giày và vớ luôn. Công việc hôm nay đã xong, ngồi xuống nghỉ ngơi, mỗi người ăn một cái bánh bao lấy lại sức rồi dẹp đường hồi phủ.

Lâm Thanh Hoà hỏi Chu Đông: “Tiểu Tây biết làm giày và vớ không?”

“Biết.” Nghe thấy Lâm Thanh Hoà hỏi nó không ngẩng đầu lên chỉ đáp qua loa một tiếng, tâm trí nó đặt hết lên cái bánh bao này rồi, nó ăn như thể đang ăn cái bánh bao cuối cùng trong cuộc đời này vậy.

Lâm Thanh Hoà: “Tốt quá, thím muốn nhờ Tiểu Tây may cho đám Đại Oa mỗi đứa một đôi giày hai đôi vớ. Không biết dạo này nó có bận việc gì không?”

Chu Đông liền đáp: “Không bận gì đâu, thím có cần may quần áo luôn không, em cháu cũng biết may đấy.”

Lâm Thanh Hoà: “Không cần, quần áo đã có bác gái cả tụi nó làm giúp rồi, dạo này chị ấy cũng rảnh.”

Chị cả Chu chắc chắn sẽ nguyện ý làm giúp thôi, vì Lâm Thanh Hoà trả công rất sòng phẳng, nguyên tắc của cô là không bắt ai làm không công bao giờ cả.

Bốn giờ chiều về tới nhà, Lâm Thanh Hoà mệt rã rời.

Chu Đông giúp cô khiêng tất cả đồ đạc vào bên trong, uống hớp nước rồi đi về nhà mình.

Bà Chu với mấy đứa trẻ không ở đây, chắc đang chơi bên Chu Gia rồi. Hôm nay đại đội nộp lương, xã viên được nghỉ, ngày mai sẽ được phân lương.

Lâm Thanh Hoà mệt mỏi rã rời nhưng vẫn cố gắng sắp xếp đồ đạc một lượt cho gọn gàng, lấy thêm một cái nồi chuyên để hầm canh từ trong không gian ra.

Bây giờ đã có bếp lò rồi, dùng cái nồi này hầm canh là đúng bài.

Cất chăn bông vào phòng, xếp hai cái đệm lên giường.

Tranh thủ không có ai ở nhà, Lâm Thanh Hoà lấy ra một số đồ vật. À đúng rồi, để lấy con dao phay này ra tí hỏi thử xem bà Chu có muốn mua lại không.

Nếu cô nhớ không nhầm thì con dao trong bếp Chu Gia sắp hỏng đến nơi rồi. Cho không bà Chu thì cũng được nhưng thôi, mất công hù bà già sợ hãi.

Chậu tráng men rửa chân, rửa mặt, ca nước này nọ đều cất hết trong phòng cô.

Một đống đồ đạc, sắp xếp một loáng đã gọn gàng ngăn nắp.

Tuy nhiên hình ảnh cô với Chu Đông kéo một xe chất đầy hàng hoá đã bị rất nhiều người nhìn thấy. Không trách được vì cái xe kéo này quá hoành tráng, vài gia đình cùng lên huyện thành mua sắm gom lại nhiều lắm cũng chỉ bằng một nửa chỗ này thôi.

Một đám người ồ lên kinh ngạc, những ánh mắt ghen tị dán chặt vào Lâm Thanh Hoà, chỉ còn thiếu điều chạy tới trước mặt xỉ vả cô là người đàn bà phá của. Họ lại rỉ tai nhau chắc chắn lần này cô ta tiêu hết tiền trợ cấp Chu Thanh Bách gửi về luôn rồi, một cắc cũng không dư!

Tiếng gió rất nhanh truyền tới tai bà Chu, chỉ nghe tới một xe kéo chất đầy hàng hoá thôi là ruột gan bà đã đau như cắt, đúng là khổ cái thân già này mà!

Bà Chu dắt tay Nhị Oa và Tam Oa: “Đi, đi về xem mẹ mấy đứa mua được thứ tốt gì?!”

Mấy bà chị dâu đánh mắt nhìn nhau, đang lúc nông nhàn rảnh rỗi, chị dâu cả cùng chị dâu hai vội theo gót mẹ chồng.

Chỉ có mình chị dâu ba không có hứng thú, đó là đồ của người ta, đâu phải của mình đâu đi xem náo nhiệt chi cho mệt. Cô đang tập trung may cho xong quần áo cho đám Đại Oa để còn tới lượt con gái mình nữa, tối qua ngủ bắt đầu thấy lành lạnh rồi.

Vì có máy may nên tốc độ của chị dâu ba rất nhanh, áo bông của Nhị Oa đoán chừng sáng mai là xong. Chẳng qua xử lý bông hơi tốn công phu bằng không sẽ còn nhanh hơn nữa.

Có được cái máy may này cũng phải cảm ơn Lâm Thanh Hoà, lúc đó vì Lâm Thanh Hoà nằng nặc đòi phân gia ra sống một mình, bà Chu tức muốn thổ huyết, trong một phút nóng giận bà cầm phiếu và toàn bộ số tiền còn dư lại trực tiếp đi mua một cái máy may để trong nhà chính Chu Gia.

Lúc bà Chu dắt Nhị Oa và Tam Oa, theo sau chị dâu cả và chị dâu hai tới nơi, Lâm Thanh Hoà đã dọn dẹp mọi thứ gọn gàng đâu vào đó rồi.

Tiểu yêu tinh Nhị Oa nhào tới ôm lấy chân Lâm Thanh Hoà nũng nịu: “Mẹ, bà nội nói mẹ mang về một xe chất đầy toàn đồ là đồ, phải không mẹ?”

Ngẩng đầu lên nhìn thấy một đám người gồm có bà Chu, chị dâu cả, chị dâu hai, trong lòng Lâm Thanh Hoà hiểu rõ. “Một xe? Dân làng này khoa trương quá đi, lấy đâu ra lắm đồ như thế.”

Bà Chu ngó ngang ngó dọc không phát hiện được thứ gì, lửa giận trong lòng hoà hoãn chút ít.

Chị dâu hai cố ý ngó vào trong phòng phát hiện thấy cái bếp lò, trợn trừng hai mắt: “Trời đất thiên địa ơi, thím tư, thím làm thế nào mà mua được cả bếp lò? Lại còn cả than đá nữa chứ? Thím làm cách nào thế?”

Lâm Thanh Hoà giải thích mà như không giải thích: “ Lần trước đi đã đánh tiếng với người ta rồi, lần này tiện có xe nên mang về. Chính vì có cái bếp lò này cộng thêm nửa túi than đá nên nhìn mới nhiều đồ như vậy.”

“Trong nhà có bếp củi rồi còn gì.” Bà Chu đứt từng khúc ruột, bếp lò, than đá đều là đồ của người thành phố, con trai ơi là con trai, con về mà xem vợ con tiêu pha hoang phí tới mức nào đây này !

Lâm Thanh Hoà: “Bếp củi bất tiện lắm, mùa đông có bếp lò tiện hơn nhiều, đun nước nóng với cả để trong phòng cũng ấm áp hơn.”

Ối giời ơi, tiền thật bạc thật cả đấy, một đống tiền chứ ít à !

Tiếng lòng của bà Chu đang dâng cao như thuỷ triều, tuy bà không nói ra nhưng chị dâu cả và chị dâu hai đều hiểu.

Lâm Thanh Hoà hỏi chị cả Chu: “Đúng rồi chị dâu cả, em thấy chị may quần áo cho mấy đứa Đại Ni, Nhị Ni rất đẹp. Chị may cho ba anh em Đại Oa mỗi đứa hai bộ quần áo dài mặc giữ ấm bên trong được không?”

Chị dâu cả sửng sốt: “Em có vải?”

“Có.” Lâm Thanh Hoà gật đầu, sau đó quay về phòng mình mang cây vải ra. Trước tiên cắt lại một miếng để dành đưa cho Chu Tây may giầy và vớ.

Lâm Thanh Hoà: “Mỗi đứa hai bộ, may vừa người là được, không cần quá dài rộng. Vải còn dư chị cứ giữ lại coi như phí vất vả, hẳn là đủ may hai bộ áo giữ ấm cho Tiểu Chu Dương.”

Quần áo dài tay rất tiện lợi, mùa đông mặc bên trong giữ ấm, tới mùa xuân chỉ cần bỏ áo khoác ngoài ra là được. Như vậy coi như quần áo mùa xuân khỏi phải lo nữa. Quần áo mùa hè mỗi đứa cần hai bộ mới, tới lúc đó rồi may vẫn chưa muộn.





trước sau

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc A/D để lùi/sang chương.
Tải APP đọc truyện OFFLINE và nghe AUDIO khi mua combo. Điểm danh hàng ngày nhận Lịch Thạch