Từ Kinh Hà đi về hướng Nam hai trăm dặm sẽ gặp dãy Hùng Nam. Trong núi có Cầu Chân quan, trong quan có Liên Diệp chân nhân thường nhàn tản nhìn trời đất, tụ tập với ba người bằng hữu nói chuyện Thanh Liên. Từ nơi đó chếch về hướng Tây Nam thêm năm trăm dặm sẽ gặp dãy núi Ô Hà. Trong núi có khí độc sát bao phủ quanh năm, sinh linh tuyệt tích, cỏ cây không sống nổi. Nhưng nơi đó vẫn có một loại thực vật sinh trưởng, vỏ cây bên ngoài có màu đen, bên trong đỏ như máu. Nếu cành cây bị đứt gãy, sẽ có dòng nhựa như máu đỏ chảy ra. Cây này được gọi là Phệ Linh thụ. Người ta cho rằng tất cả những người chết trong sơn cốc này đều bị nó cắn nuốt sạch sẽ.
Có lời đồn rằng nếu luyện chế Phệ Linh thụ ngàn năm thành Phệ Linh pháp trượng, phối hợp với một số phép thuật tà đạo, sẽ có uy lực khiến người người phải khiếp đảm. Có điều tới bây giờ, vẫn chưa người nào nhìn thấy tận mắt, nên những lời đó vẫn chỉ là lời đồn thổi mà thôi.
Dãy Ô Hà này không tính là cao, thế núi cũng không kỳ quái gì. Sở dĩ nó có tên như vậy, là vì bắt nguồn từ ô sát tràn ngập trong núi đã có rất nhiều năm nay. Ô sát là một loại cực độc từ dưới nền đất mà ra. Có người nói trong núi có một dòng chảy cực độc, thần tiên uống vào còn phải đọa thành người phàm. Mà độc sát nơi này bắt nguồn từ mạch đó đi ra.
Dưới ánh mặt trời, Ô Hà được khói độc chiết xạ tầng tầng nên có chút mộng ảo, lại lộ vẻ quỷ dị.
Nếu nói khói độc này cùng với dòng Ô Hà làm nên tên tuổi của dãy Ô Hà trong giới người phàm, thì Ô Hà đại vương lại làm vang danh dãy Ô Hà tới khắp giới tiên thần.
Lúc này, một tấm bia to lớn hạ xuống từ không trung phía trên đỉnh Ô Hà quanh năm đen mù, rơi xuống miệng của đầu lâu khổng lồ như có thể cắn nuốt được hết thảy mọi vật. Bên dưới bia thần Kinh Hà, khí sát độc biến thành đầu lâu bị tán loạn ra thành từng đám, rồi bị sóng sông vô hình cuốn đến ngay sau bia thần tách giạt ra. Trong sơn cốc đầy khói đen, bia thần như một luồng cầu vồng trắng xỏ xuyên xuống, trấn áp thẳng xuống một nơi sâu nhất trong sơn cốc.
Bia thần Kinh Hà từng trấn sông Kinh Hà, khóa chặt lấy Côn Lôn.
Tuy đã bị một thanh kiếm không rõ từ đâu bay đến đâm hỏng, vẫn mang theo một uy lực khó tả, những linh bảo thông thường khó sánh bằng.
Bia thần rơi xuống ngay chỗ Ô Hà đại vương là vì trước đó Trần Cảnh đã thông qua bản mạng thần thông Phá Vọng nhãn của Mê Thiên điệp nhìn thấy được chân thân của lão.
Ô Hà đại vương trong sơn cốc cảm thấy kinh ngạc. Lúc trước tuy lão cũng nhận thấy tượng thần trên bầu trời có điểm đặc biệt nhưng vẫn không để tâm tới. Chuyện này vốn rất bình thường, vì khi lão còn lang bạt trên thế gian thì không biết Trần Cảnh còn đang ở nơi nào. Trong mắt lão, thế gian này không có nhiều người khiến lão phải hành động cẩn thận. Ngoại trừ những tên chưởng giáo của Đạo môn được truyền thừa lâu đời còn khiến lão sợ hãi, đã không còn có kẻ nào khác nữa.
Nhưng lão quên mất, chuyện thường thấy nhất trên thế gian này chính là sóng sau xô sóng trước.
Cho nên khi lão nhìn thấy bia thần Kinh Hà đánh tan Phệ Linh sát ma được chính lão ngưng luyện từ khí độc sát và đám hồn phách không tán mất của những kẻ tu hành, lão lập tức hiểu đã gặp phải đại địch.
Nhưng trong ấn tượng của lão, thế gian này không có một nhân vật nào như vậy cả. Nếu có một kẻ mang thân thể tượng đá hành tẩu trên thế gian, không thể có chuyện lão không biết được. Chẳng qua, khi nhìn thấy bốn chữ to “Bia Thần Kinh Hà” trên tấm bia, trong đầu lão nghĩ tới một kẻ.
Thật sự thì kí ức của kẻ này trong đầu lão cũng đầy đứt quãng. Trong đó có một đoạn nói về Trần Cảnh là vì có liên quan tới Diệp Thanh Tuyết. Lão biết chuyện nàng ta đánh bại hết tất cả đệ tử trẻ tuổi châu Hắc Diệu là vì cứu sư đệ mình. Sư đệ nàng ta là Hà Bá Kinh Hà.
Rồi sau đó, một trong số những thần vương ít ỏi còn lại là Giao Long vương dâng nước nhấn chìm Côn Lôn. Lão biết được Kinh Hà chỉ còn sót lại một Hà Bá, chuyện này cũng tính rất hiếm thấy. Lão không biết tên của Hà Bá kia, chỉ biết Hà Bá sống sót đầy may mắn đó chính là kẻ mà Diệp Thanh Tuyết từng cứu ra.
Tiếp theo đó là trận đại chiến ở Tú Xuân loan, đại chiến thành Bá Lăng khiến nhiều người nhớ kĩ đến Kinh Hà Trần Cảnh. Trong đó cũng có Ô Hà đại vương thành danh đã lâu này.
Bia thần Kinh Hà vừa hiện trên không trung đã hạ xuống. Thế trấn áp như một dòng chảy cuồn cuộn, lao trút xuống bên dưới.
Ô Hà đại vương há mồm phun ra một cây cờ nhỏ. Cờ này đón gió biến lớn lên. Lão nắm cờ trong tay, ra sức phất lên. Trong phút chốc, toàn bộ khí sát độc trong sơn cốc cuồn cuộn, rồi một bóng người đen như mực từ trong lá cờ xông ra. Người này đầu có hai sừng lớn như sừng dê, không tóc không mi, cả người đen kịt, cũng như không mặc quần áo. Tuy chỉ có nửa người trên lao ra khỏi lá cờ, nhưng nhìn qua có thể thấy thân thể đó đen thùi như một tảng đá. Có từng thớ cơ gân cuộn nổi trên cơ thể như tràn đầy lực lượng đủ để xé rách cả hư không. Hai mắt nó đỏ đậm như máu, trong lúc hai mắt chớp nháy còn bắn ra từng luồng sáng đỏ vào hư không.
Cờ này có tên là Phệ Linh Sát Quỷ phiên, dùng lõi của cây Phệ Linh thụ trăm năm làm cán cờ, lại dùng tơ của một loại quỷ trùng ở núi Âm Sơn luyện với độc sát trong Ô Hà cốc tạo thành. Ngày cờ được luyện thành, lão còn tự mình tới cõi âm chộp lấy một con ác quỷ phong ấn vào bên trong. Nhiều năm trôi qua, con ác quỷ này cũng đã tiến lên Quỷ vương, đầu có hai sừng, hai mắt có thể nhìn thấu thực ảo giữa hai giới âm dương.
Bia thần Kinh Hà hạ xuống, Quỷ vương rít gào, đưa hai tay đỡ lấy tấm bia.
Va chạm không có lấy một tiếng động, không phát ra bất kỳ âm thanh nào. Chỉ thấy khói đen trong sơn cốc tán nhanh ra để lộ cả đáy cốc bên dưới. Hiển lộ ra bốn vị chân nhân Liên Diệp, Thiên Tí, Bạch Tuyết, Dịch Chu với bộ dạng tả tơi. Giữa bốn người bọn họ còn có một cái thây khô, toàn thân đen kịt cứng ngắc.
Ngay khi khí đen trong cốc tán dạt ra, bốn người dựng người lên, độn vào hư không, chạy vội ra bên ngoài cốc.
Bọn họ hóa thành bốn tia sáng độn ra khỏi sơn cốc, Quỷ vương kia cũng chỉ bị bia thần Kinh Hà ép xuống bên dưới một khoảng nhỏ, không bị tán đi. Nó ương ngạch tóm chặt tấm bia. Ngay sau đó, hai tay Quỷ vương dần kéo lấy tấm bia thần Kinh Hà vào bên trong lá cờ.
Ánh sáng trên mặt bia Kinh Hà vẫn chói mắt, ánh nước lấp lánh bắt dầu rút ngược lên phía trên không trung. Có điều Trần Cảnh cảm thấy lúc trước bia thần như đập vào khoảng không, còn lúc này lại như cắm rễ sâu xuống, bị một lực ngàn cân lôi kéo đi.
Trong lòng hắn căng thẳng, lại nhìn thấy Quỷ vương kia há to miệng đầy răng nhọn đen kịt táp tới bia thần Kinh Hà. Nó không cắn tấm bia, mà cắn vào thần niệm của Trần Cảnh bên trong tấm bia.
Làm sao Trần Cảnh để nó được như ý? Ngay khi Quỷ vương há miệng cắn tới, một con bướm đột ngột xuất hiện trước mặt Ô Hà đại vương tại sơn cốc dưới mặt đất. Lão còn đang đứng đó, tay cầm Phệ Linh Sát Quỷ phiên. Tâm tình lão lập tức dâng lên cảm giác nguy hiểm mãnh liệt. Rồi lão nhớ tới Mê Thiên kiếm, thanh pháp kiếm đã có danh khí không kém trên thế gian.
Lúc này lão mới biết lời đồn không giả. Chỉ có thể giết rất nhiều người mới hình thành nên cỗ sát khí chấn nhiếp lòng người kia được. Hơn nữa, cũng như trong lời đồn, kiếm còn mang theo một cảm giác như mộng ảo.
Lão cảm nhận được nguy hiểm, phép thuật theo tâm động hiện ra. Quanh thân lão có lần lượt từng cái đầu của sát quỷ hện lên. Ngay khi đầu sát quỷ xuất hiện, con bướm cũng hiện ra, bay loạn quanh người lão một vòng. Những nơi kiếm đi qua, từng cái đầu sát quỷ vỡ tung như bọt nước.
Đầu sát quỷ xếp thành tầng tầng, như thể từng lớp sóng, những cái vỡ nát lại huyễn hóa thành một cái khác tiếp theo. Mọi chuyện chỉ xảy ra trong tích tắc, con bướm lượn quanh lão một vòng rồi biến mất, bia thần Kinh Hà cũng đồng thời lao ra khỏi tay của Quỷ vương, bay lên phía trên rồi trở lại trong thân thể tượng thần. Con bướm cũng lóe lên trước tượng thần, rồi biến mất hút.
Bốn người Liên Diệp, Bạch Tuyết, Thiên Tí, Dịch Chu đã chạy thoát ra ngoài, đều hiện thân bên cạnh Trần Cảnh. Sắc mặt mỗi người đều xám như tro, nhìn qua đều bị tổn thương nguyên khí.
Khói đen trong sơn cốc đột nhiên dạt qua, lộ ra một khoảng hư không màu trắng tựa như một cái miệng giếng. Dưới đáy giếng là một người mặc áo bào đen, tay cầm cây cờ màu đen đang ngẩng đầu nhìn trời, ánh mắt không lộ vẻ vui buồn.
Trần Cảnh cũng nhìn lão, hai mắt tượng thần lóng lánh hai màu đen trắng. Hắn phát hiện chân thân của Ô Hà lại là nhân loại thuần túy, không phải yêu cũng không phải quỷ linh. Còn hắn bây giờ lại nhìn như không giống con người.
- Chúng ta đi thôi.
Lúc này Liên Diệp chân nhân nói.
Hồ Thanh Tú đã chết rồi. Nếu hắn không chết, có lẽ Liên Diệp Chân Nhân sẽ cứu hắn. Nhưng hắn đã chết, y cũng không định báo thù, mà cũng không thể báo thù được.
Ngoài y ra, ba người kia cũng có ý rời đi. Hiển nhiên họ cũng không có tâm tư đi báo thù.
Trần Cảnh không trả lời, chỉ xoay người bước đi. Ngoài dự liệu của bọn họ, Ô Hà đại vương lại không đuổi giết. Bọn họ không khỏi nhìn qua Trần Cảnh mà nghĩ thầm: “Không nghĩ ra hắn lại có thực lực đối kháng được với mười ba đại yêu trong trời đất.”
Đột nhiên, Ô Hà ở bên dưới chợt hỏi:
- Ngươi không sợ sau này toàn bộ sinh linh Kinh Hà sẽ bị ta dùng để tế Sát Quỷ phiên sao?
- Nếu ngươi tới, chỉ có thể chìm xác xuống đáy Kinh Hà. Cái xác đó đủ cho trăm con tôm cá ăn no, còn Sát Quỷ phiên lại đưa cho Hư Linh cũng không tệ.
Giọng nói của Trần Cảnh theo gió chui vào tai Ô Hà đại vương, còn hắn đã đi xa, chỉ còn là một cái chấm đen mà thôi.
Ô Hà cười ha ha, toàn bộ khói độc cuồn cuộn phủ trùm lấy sơn cốc lại, như thể trong đó sắp sửa có ác ma sắp xuất thế. Có điều không ai biết lão cười cái gì.
Trần Cảnh cùng với bốn người Liên Diệp chân nhân trở về. Hắn không theo về Cầu Chân quan mà tách khỏi bọn họ ngay bên ngoài ngọn núi. Liên Diệp chân nhân không giữ lại, chỉ hết lòng bày tỏ cảm kích, lại hẹn ước lần sau rảnh rỗi lại gặp nhau luận chuyện thế gian. Trần Cảnh cũng thuận miệng đáp ứng. Hắn có ấn tượng không tệ với bốn người Liên Diệp này, ở chung với bọn họ cũng rất thoải mái.
Bốn người Liên Diệp cùng Thiên Tí, Bạch Tuyết, Dịch Chu đứng đó nhìn Trần Cảnh đi khuất. Một hồi sau Thiên Tí chân nhân mới cảm thán một câu:
- Thế nhân đều đồn rằng hắn lạnh lùng mà hiếu sát. Lời đồn quả nhiên không đáng tin a.
- Đúng vậy, đồn rằng hắn hiếu sát chẳng qua mấy năm nay hắn đã giết nhiều người. Lại không ai chịu tìm hiểu xem vì sao mà hắn giết người.
Bạch Tuyết chân nhân nói.
Lại một lần trầm mặc, Dịch Chu chân nhân đột nhiên hỏi:
- Các ngươi nói xem vừa rồi tượng thần lão đệ đã dốc hết sức chưa?
Không ai trả lời. Một lát sau Liên Diệp mới nói:
- Cho dù hết sức hay không, tượng thần lão đệ cũng đã cứu mạng ta. Không nên quên đó là Ô Hà đại vương, một trong mười ba đại yêu nổi tiếng trong trời đất. Có thể toàn thân ra khỏi dãy Ô Hà đã là một kỳ tích rồi.
- Đúng vậy.
Dịch Chu chân nhân thở dài một hơi.
Lúc này Bạch Tuyết chân nhân mới nói:
- Chúng ta tương giao là vì tính tình hợp nhau, không đề cập đến chuyện gì khác. Bàn luận sau lưng người khác thế này chung quy là không tốt.
- Ha ha, vẫn là tâm tư Bạch Tuyết ngươi trong sáng, vừa dạo quanh bờ sinh tử xong vẫn còn nhớ đến những lời như vậy. Đúng vậy a, chúng ta gặp nhau là vì phần thoải mái và tùy ý này, không nói đến lợi thì tâm vô tư, nói chuyện với nhau mới vui sướng được.
Dịch Chu chân nhân cười nói.
***
Sau khi tách ra, Trần Cảnh vẫn để Hồng đại hiệp chở mình đi lại trong núi, còn hắn thì ôn lại trận chiến đấu vừa rồi. Đây là thói quen của hắn, mỗi lần chiến đấu xong, hắn đều sẽ phân thích lại lần nữa, tỉ mỉ ngộ lấy.
Tốn mất mười hai ngày để Hồng đại hiệp chở Trần Cảnh trở về Tú Xuân loan Kinh Hà. Lần này Hồng đại hiệp đã rút ngắn được sáu ngày. Có điều khiến hắn ngoài ý là có một người đang đứng chờ bên dòng Kinh Hà. Người này có tóc đen xõa xuống, đôi mắt thâm sâu như đáy vực. Trần Cảnh tới trước miếu mới phát hiện ra y.
Y chính là kẻ mang “Thần Du Tinh Không quyết” đến cho Trần Cảnh rồi lại bỏ đi mất tăm tích – Quy Uyên. Câu đầu tiên khi y nhìn thấy Trần Cảnh, là nói:
- Hà Bá gia, người nguyện ý nhập Đông Hải một chuyến chứ?
Trần Cảnh nghi hoặc hỏi:
- Thế nào?
- Tiểu công chúa bị vây khốn trong giếng Tù Long.
Quy Uyên đáp.
- Tiểu công chúa, tiểu công chúa là ai?
- Tiểu công chúa chính là Tiểu Bạch Long.
- Được.
Nghe nói tiểu công chúa là Tiểu Bạch Long, Trần Cảnh lập tức đồng ý. Hắn không biết thân phận của Tiểu Bạch Long, cũng không biết nàng bị kẻ nào vây khốn, cũng không hỏi nguyên nhân đã lập tức đồng ý.