Đại Tần không cấm dân chúng mang đao kiếm, thậm chí cho phép một số hình thức quyết đấu công khai, nhưng những loại vũ khí có sức sát thương cực lớn của quân đội, những đồ dùng, sách vở, thư tịch phục vụ cho việc tu hành lại thuộc phạm vi cấm trao đổi buôn bán một cách nghiêm ngặt.
Do đó, hầu hết những thứ mà một Tu hành giả có nhu cầu đều không thuộc phạm vi giao dịch.
Nhưng ở Ngư Thị, những món đồ này được buôn bán một cách công-khai-ngấm-ngầm, đơn giản vì Ngư Thị được hình thành một cách tự phát nên việc làm ăn diễn ra trong nó cũng chủ yếu thuộc loại bất hợp pháp.
Một hình thức phá luật nằm chình ình ngay sát Trường Lăng, dưới chân quan lớn và dưới bóng Thiên tử tại sao vẫn có thể tồn tại dai dẳng từ ngày này qua năm nọ như vậy?
Đó cũng là câu hỏi đang xuất hiện trong đầu một gã thanh niên mày rậm, nhìn cách ăn mặc có vẻ là người từ xứ khác đến.
Hắn mặc áo bào ngắn màu đen mà người Trường Lăng chẳng bao giờ mặc, chân trần không giày, tay cầm cây dù Hoàng Du đã có vài vết rách.
Cây dù cũ nhưng rất lớn, tiếc là vì phải che thêm cho một người phía trước nên non nửa thân thể hắn không được hưởng phước, bị mưa xối ướt sũng.
Người phía trước cũng là một thanh niên, vóc dáng nhỏ bé, ăn mặc kiểu thư sinh, khuôn mặt trái xoan tuấn tú một cách khác thường, da trắng như ngọc, có tỉ mỉ ngồi bới nửa năm chưa chắc đã tìm ra khuyết điểm nhỏ nào trên con người ấy.
Nhìn những hạt mưa như trân châu nhảy múa trên nóc dãy lều trùng trùng điệp điệp, gã thanh niên mày rậm nhăn mặt, mở miệng hỏi người đi phía trước:
- "Công tử, tại sao loại chợ này vẫn có thể tồn tại?"
Người kia cười khẩy đáp:
- "Nếu không có ý kiến từ hai lão Thừa tướng kia, loại chợ này còn tồn tại được sao?"
Thanh niên mày rậm không hiểu lắm, hắn nhìn người kia vẻ dò hỏi.
- "Việc làm ăn bất hợp pháp luôn mang lại lợi nhuận kếch xù, lợi nhuận kếch xù sẽ khiến nhiều người bất chấp nguy hiểm lao vào kinh doanh một số loại hàng hóa đặc biệt."
Người thanh niên mặc kiểu thư sinh lạnh lùng nói tiếp:
- "Mấy năm gần đây, việc kì trân dị bảo từ hải ngoại có thể chảy vào Trường Lăng hay các quốc gia hải ngoại và Tu hành giả có thể thiết lập liên hệ với Trường Lăng ngoài dựa vào con đường Vị Hà thì còn có công lớn của chợ Ngư Thị này. Đám người đang ngồi quan cao ghế lớn trong triều đình cũng dựa vào chỗ này kiếm được những thứ trước đây không có khả năng kiếm được, vì thế bọn chúng mới chơi trò mắt nhắm mắt mở mặc kệ cho chợ tồn tại. Đương nhiên, đám thương nhân cũng biết giới hạn của triều đình ở đâu nên dù là chợ đen nhưng việc giao dịch ở đây lại công bằng và an toàn hạng nhất."
- "Ngươi cần hiểu một luật lệ, ở bất kì lĩnh vực nào, muốn người khác có hứng giao dịch với mình thì phải khiến đối phương cảm nhận được lợi ích khổng lồ mà mình có thể mang đến. Đám thương nhân ngày ngày sống trên đầu dao mũi kiếm không bao giờ chơi trò bảo hổ lột da, chúng luôn tránh giao dịch với những kẻ có đẳng cấp cách quá xa, những kẻ mà chỉ hơi há miệng đã có thể nuốt chửng chúng không còn một mẩu thịt thừa."
Người thư sinh quay lại, nói khẽ:
- "Vì có sự tồn tại của những quy tắc như vậy nên ta mới có ý đến đây đàm phán một chút."
***
Con đường trong chợ vừa gập ghềnh vừa lầy lội khó đi, đã thế còn nhiều đường ngang ngõ dọc chằng chịt chẳng khác nào mê cung, một đoạn dài vài chục thước mà có đến mười mấy lỗi rẽ ăn ngang, quả thực khiến người không quen thuộc tối tăm mặt mũi.
Nhưng với một chợ đen vốn không bao giờ chào đón khách nhàn tới dạo chơi thì tất nhiên càng lắt léo, càng bí hiểm càng tốt.
Vì thế, dù trời mưa mịt mùng, dù khung cảnh tối tăm, nhưng suốt dọc con đường chỉ có đôi ba cửa hàng chịu thắp đèn lồng, ánh đèn leo lét lay động trong gió như lửa ma trơi.
Chợ rất đông người. Đinh Ninh cụp dù, biến nó thành gậy chống rồi thành thạo đi sâu vào trong chợ.
Do mưa to nên khu vực thấp trũng ngập nước khá sâu, cách đa số sàn nhà chỉ khoảng nửa thước nhưng xung quanh vẫn có khá nhiều thuyền loại nhỏ đang nổi bập bềnh, thậm chí có cả mấy chiếc bồn bằng gỗ đang bơi qua lại.
Dọc theo cây cầu phao bằng gỗ đặt trên một dãy xuồng ba lá, Đinh Ninh đi vào một ngôi nhà sàn rất nhỏ.
Đây là một cửa hàng bán mực dấu kiêm bán giấy bút.
Người chủ là một bà góa già đã ngoài sáu mươi. Nhu cầu chi tiêu ít, việc kinh doanh lại không tệ do hầu hết các giao dịch ở Ngư Thị đều cần lập khế ước, nghĩa là cần đóng dấu mộc hoặc dấu tay, vì thế cuộc sống của bà khá ổn.
Thấy Đinh Ninh, trên gương mặt đầy nếp nhăn của bà liền nở nụ cười hiền hậu. Bà bỏ tách trà uống dở trên tay xuống, với tay lên chiếc tủ tường đặt cạnh cửa lấy ra một đĩa trái cây khô.
- "Mưa to như thế còn đến đây làm gì?"
Bà ngắm nghía hắn một lượt từ đầu đến chân, thấy cả người chỉ mỗi đôi giày cỏ là ướt sũng bèn yên tâm, lấy ra một đôi giày cỏ tuy cũ nhưng sạch bóng khác bảo hắn mang vào.
Đinh Ninh mỉm cười, hắn ngồi xổm ra mép nhà sàn thò chân xuống rửa, đổi giày rồi đứng lên đưa mắt ngắm nghía nóc nhà và vách tường xung quanh.
Trên nóc và tường đều bị thấm nước, nhưng chưa đến mức nghiêm trọng.
Đinh Ninh cũng yên tâm, hắn ngồi xuống chiếc ghế đẩu cạnh bà lão, nói:
- "Ngày hôm qua mưa to, cháu lo căn phòng của bà có vấn đề nên muốn tới xem sao, nhưng lại bận chút việc nên mãi đến giờ mới tới được."
Bà lão bật cười thành tiếng, chỉ cần nhìn thấy Đinh Ninh là bà cảm thấy rất vui vẻ.
- "Thằng nhỏ này, làm sao mà có vấn đề được chứ?" Bà vừa cười vừa nói.
- "Cứ không được bao lâu mày lại đến đây sửa phòng một lần, cẩn thận còn hơn cả thợ vàng sửa trang sức. Ta nghĩ dù mưa có to nữa, dai dẳng nữa, dù tất cả phòng ốc quanh đây đều dột nát thì căn phòng này của ta vẫn vững như Thái Sơn."
Thấy nét mặt vui vẻ của bà, Đinh Ninh cũng vui lây, hắn tiện tay nhón mấy miếng quả khô ném vào miệng, vừa nhai tóp tép vừa hỏi:
- "Bà cần mua thêm thứ gì không, để cháu đi mua giúp?"
- "Củi gạo dầu muối trong nhà còn đầy đủ cả, bà chỉ cần mày chịu khó nghỉ ngơi thôi." Bà lão lắc đầu, rồi nhìn khuôn mặt có vẻ hơi xanh xao của hắn, bà lại lắc đầu lần nữa, yêu thương hỏi: "Thế đã ăn uống gì chưa?"
- "Bà kho cá và chiên đùi gà cho mày." Bà lão nhìn hắn vẻ trách móc, "Bánh rán thì có gì ngon lành mà đòi ăn? Ngày xưa lúc mày còn nhỏ lạc tới đây, bà cho mày cái bánh cũng là chuyện bình thường nên làm, vậy mà mày vẫn nhớ tới tận bây giờ. Nếu coi là chuyện buôn bán, một cái bánh rán tiền công đổi lấy bao nhiêu năm phải đi giúp người không biết mệt mỏi, vậy thì mày lỗ vốn to rồi con ơi."
- "Làm gì mà lỗ vốn ạ." Đinh Ninh cười: "Chẳng qua đó chỉ là mấy việc vặt cháu tiện tay giúp thôi, từ đó tới giờ cháu chủ yếu nói chuyện với bà hoặc nghe bà kể chuyện mà, còn ăn không biết bao nhiêu đồ ăn của bà nữa."
Bà lão lắc đầu khe khẽ:
- "Đối với một bà già cô độc như ta mà nói, được trò chuyện cùng người khác là sự ban ân lớn nhất của ông trời dành tặng rồi. Trận chiến năm xưa khiến Trường Lăng xuất hiện biết bao nhiêu mẹ góa con côi, những người già cô độc như ta ở đâu cũng thấy, nhưng mấy ai có được sự may mắn như ta đâu."
Đinh Ninh im lặng, hắn cúi đầu gặm trái cây khô y hệt một con sóc chăm chỉ.
Mùa đông mấy năm trước hắn đi qua nơi đây, bà lão tốt bụng cho hắn một tấm bánh rán nóng hổi. Thế là kể từ đó, hắn thường xuyên đến đây thăm bà, làm giúp bà những chuyện hắn có thể làm được.
Nhưng Đinh Ninh biết vấn đề không chỉ ở một chiếc bánh rán.
Vấn đề ở chỗ hắn nợ bà lão rất nhiều.
Hắn nợ rất nhiều người, hắn hi vọng mình có thể trả hết cho họ, hoặc ít nhất cũng bù đắp được phần nào.
***
Trò chuyện với bà lão đôi ba câu chuyện phiếm như thường lệ, lắng nghe bà kể vài sự lạ xảy ra gần đây ở Ngư Thị, Đinh Ninh đứng dậy xin phép ra ngoài một lát. Hắn bước thảnh thơi vào khu vực càng sâu của Ngư Thị.
Thời điểm này, chắc Tống Thần Thư đã tới Ngư Thị rồi.
Tống Thần Thư là một viên quan nhỏ làm nhiệm vụ coi kho ở kho Kinh Sử, là người quen của Đinh Ninh.
Nhưng khác với bà lão bán mực, Đinh Ninh không hề nợ lão, ngược lại, chính lão nợ Đinh Ninh.
Sau nhiều năm lặng lẽ quan sát, Đinh Ninh nắm được một số thói quen của Tống Thần Thư, cũng biết lão gặp phải bao nhiêu gian nan trên con đường tu hành.
Vì thế Đinh Ninh mới khẳng định một điều, hôm nay Tống Thần Thư chắc chắn sẽ tới lấy Hỏa Quy Đảm, chắc chắn sẽ xuất hiện trong tầm mắt của hắn.