Nữ lang này tâm tư rất nhạy cảm, nhưng Trương Nguyên không muốn nói nhiều về những chuyện đó, liền khéo léo chuyển đề tài:
- Có lẽ là tuổi nhỏ chưa nếm được dư vị của sự buồn thương. Được rồi, Tu Vi cô nương mời lên thuyền, ta đang đói bụng muốn thưởng thức mỹ thực của Vấn lão rồi.
Vương Vi tự nhiên cười nói:
-Nếu Giới Tử tướng công không chê thì có thể cùng đến U Lan quán dùng cơm tối, tiểu nữ cũng có chút tay nghề nấu nướng, không đến mức là không kham nổi khẩu vị của người khác đâu.
Trương Nguyên cười nói:
-Để ngày khác đi, bằng không đi tiễn người khác mà ngay cả mình cũng mất tung tích thì sẽ khiến đại huynh chê cười ta đấy.
Vương Vi biết Trương Nguyên đang khéo từ chối mình, trong lòng hơi thẫn thờ. Nàng không hiểu vị Trương Giới Tử này lắm, nàng cũng rất muốn tìm hiểu, trong lòng cũng kinh ngạc, tự hỏi bản thân mình:
-Vương Quan, từ lúc nào mà ngươi lại có tính tò mò như thế chứ hả?
... Hai ngày này, Trương Nguyên dành thời gian để chỉnh sửa bát cổ văn cho Đỗ Định Phương. Sau khi sửa xong mười cuốn bát cổ văn, còn viết cho Đỗ Định Phương một lá thư dài, căn cứ vào con đường bình luận chế nghệ về trình độ viết văn trước đây cửa Đỗ Định Phương, hướng dẫn Đỗ Định Phương phải đọc kỹ những cuốn sách nào, nên nghiền ngẫm trình văn của những danh gia nào, cũng nói về việc cuối tháng mười một đầu tháng chạp, mình sẽ từ Trinh Phong Lý trở về Sơn Âm, đến lúc đó sẽ bình phẩm tiếp tác phẩm mới của Đỗ Định Phương.
Trương Nguyên viết thư xong, liền đưa thư cùng với mười tiểu đề bát cổ văn đã bình chữa xong cho gia nô Đỗ gia, sai y quay về Trinh Phong Lý. Hôm nay là mùng chín tháng tám, lúc chập tối, Tưởng chấp dịch của Quốc Tử Giám dẫn theo hai người đến, Phúc Nhi vừa nhìn thấy hai người này liền vui mừng kêu lên:
-Cha, sao cha lại đến đây, còn có Tiền thúc nữa...
Khách đến là người làm ở Tây Trương là Trương Lão Thực và Tiền Lão Bổn, hai người đều đang gánh một cái sọt, nhìn thấy Phúc Nhi liền vội bỏ gánh xuống, vui mừng nói:
-Cuối cùng cũng tìm được rồi! Phúc Nhi, tam thiếu gia đâu?
Phúc Nhi vui mừng khôn xiết, hướng về phía lầu đông kêu to:
-Tam thiếu gia, cha của nô tì đến rồi, nhà ta có khách.
Trương Ngạc đang chơi cờ cùng Trương Đại, nghe thấy tiếng kêu liền vội chạy xuống hành lang nhìn xuống, nói:
-Cuối cùng cũng tới rồi.
Rồi mau chóng xuống lầu. Trương Nguyên và Trương Đại cùng những người khác đều đã tụ lại đông đủ.
Trương Lão Thực lau mồ hôi cùng với Tiền Lão Bổn thi lễ với ba vị thiếu gia. Trương Ngạc liên tục hỏi:
-Đem theo bao nhiêu kính lão, kính cận, kính đốt hương hả?
Phúc Nhi bưng hai ly nước đến đưa cho cha cậu và Tiền thúc uống. Trương Đại cười nói:
-Uống nước trước rồi hãy nói cũng không muộn.
Trương Ngạc tính tình nóng vội liền tự mình đi lục bốn cái sọt, lại thấy trong sọt còn có một cái rương gỗ đã bị khóa. Trương Lão Thực uống một hơi hết ly nước rồi đưa ly cho Phúc Nhi, lấy từ trong ngực ra một lá thư đưa cho Trương Ngạc:
-Tam thiếu gia, đây là thư, chìa khóa ở trong thư.
Lá thư đã được dán kín, Trương Ngạc mở phong bì thư kéo ra một lá thư và một chiếc chìa khóa. Trương Ngạc đưa thư cho đại huynh Trương Đại rồi vội đi mở khóa. Mở một chiếc sọt ra, bên trong được lấp đầy bằng sợi bông, khoảng có một trăm chiếc hộp gỗ lớn nhỏ xếp chồng lên nhau, hộp gỗ được làm từ gỗ lim rất tinh xảo. Mở một cái đó là một đôi kính. Trương Ngạc đeo vào nhìn thử rồi nói:
-Đây là kính lão.
Tháo xuống xem kỹ rồi gật đầu nói:
-Công nghệ làm kính có tiến bộ.
Trương Đại mở lá thư ra xem rồi nói:
-Đây là thư của tam thúc Trương Bính Phương viết.
Rồi đọc qua một lượt. Trong thư chủ yếu nói về chuyện phường kính, nói là lần này tổng cộng đưa cho Trương Lão Thực và Tiền Lão Bổn mang đến một trăm hai mươi đôi, kính đốt hương một trăm chiếc, kính thiên lý ba chiếc... Trương Ngạc vừa nghe thấy còn có “kính thiên lý” liền vui mừng hỏi:
-Kính thiên lý ở trong chiếc rương nào?
Trương lão thực chỉ vào một chiếc rương trong số đó nói:
-Có lẽ là cái này.
Trương Ngạc mở khóa nhìn, quả nhiên có ba chiếc kính viễn vọng bằng đồng. Ba huynh đệ mỗi người lấy một chiếc, xoay mở kính ra. Trương Nguyên lùi về phía bức tường viện, dùng kính viễn vọng nhìn về chùa Kê Minh phía sau núi, vừa điều chỉnh từ từ, nói:
-Rất tốt, so với lần trước thì cái này có tiến bộ hơn nhiều.
Trương Ngạc cũng lùi lại chỗ Trương Nguyên nhìn về phía chùa Minh Kê rồi nói:
-Vẫn không bằng chiếc mua từ Macao.
Nhưng Trương Nguyên lại rất vui, nói:
-Chiếc kính viễn vọng được chế thành hồi cuối tháng tư rất mờ, chiếc này đã rõ hơn rất nhiều rồi, mới chưa đầy nửa thời gian mà tiến bộ như thế, khi quay về đệ phải thưởng cho ba thợ làm kính đó.
Trương Ngạc nghe Trương Nguyên nói thế cũng cao hứng trở lại, nói:
-Rất tốt, ngày mai ta sẽ bán những chiếc kính này cho Quốc Tử Giám, chắc chắn là cung không đủ cầu.
Trương Nguyên nói:
-Tam huynh, bán ở Quốc Tử Giám không được, tuy nói là Mao Giám Thừa đã bị giải về Hình bộ, nhưng chúng ta cũng phải cẩn thận lời ăn tiếng nói một chút.
Trương Đại gật đầu nói:
-Giới Tử nói đúng đó.
Trương Ngạc nói:
-Vậy cũng đơn giản thôi, hãy để mấy giám sinh đó đến Thính Thiền cư của chúng ta mua vậy.
Tưởng chấp dịch đứng bên cạnh, mãi đến giờ mới mở miệng nói:
-Thông báo cho ba vị Trương công tử biết là chiều hôm nay Tế Tửu Cố lão gia sẽ quay về Quốc Tử Giám.
Trương Nguyên nói:
-Vậy ta phải đến bái kiến Cố Tế Tửu.
Rồi thưởng cho Tưởng chấp dịch một đồng bạc.
Dùng xong cơm tối, Trương Nguyên đang chuẩn bị vào Quốc Tử Giám bái kiến Cố Tế Tửu, nhưng lại nghe Phúc Nhi kêu:
-Giới Tử thiếu gia, Tiêu lão gia, Tiêu tướng công đến ạ.
Trương Nguyên vội ra đón nhưng lại nhìn thấy đến Thính Thiền cư cùng hai cha con Tiêu Pháp và Tiêu Nhuận Sinh còn có Tế Tửu Cố Khởi Nguyên của Quốc Tử Giám. Trương Đại và Trương Ngạc nghe nói cũng vội ra kiến lễ, vào ngồi trong phòng khách, Cố Khởi Nguyên nói:
-Trương Nguyên, chuyện ngày Ất Dậu ta đã tìm hiểu qua, trò không có gì sai cả, ngày mai trò hãy quay lại Quốc Tử Giám nghe giảng, bài tập thường ngày có thể không làm, chiều hãy đến Đạm Viên giúp Tiêu thái sử biên soạn sách, buổi tối cứ ở lại hiệu phòng Quốc Tử Giám, không được lười biếng buông thả.
Cố Khởi Nguyên hiển nhiên đã hội ý qua với Tiêu Pháp, Trương Nguyên đáp:
-Vâng, ngày mai học trò sẽ đến Quốc Tử Giám nghe giảng từ sáng sớm.
Cố Khởi Nguyên lại nói:
-Nữ tỳ thiện xạ đó của trò sau này chớ có luyện bắn tên nữa, sợ rằng sẽ bị người khác chỉ trích.
Trương Nguyên khom người đáp:
-Vâng.
Vừa khẩn cầu:
-Cố Tế Tửu, gia phụ mấy ngày nay sẽ từ Khai Phong qua Nam Kinh trở về Sơn Âm, học trò muốn đợi đến tiễn gia phụ xong rồi đến ở lại Quốc Tử Giám, cũng để cho học trò có thời gian tận chữ hiếu, xin Cố Tế Tửu cho phép.
Cố Khởi Nguyên gật đầu đồng ý, dặn dò Trương Nguyên vài câu, rồi đứng lên ra về. Trương Nguyên nói:
-Cố Tế Tửu xin đợi một lát.
Đi lấy một đôi kính lão dâng lên, nói là phường kính Sơn Âm vừa gửi đến. Tiêu Pháp vừa nhìn thấy chiếc kính liền cười nói:
-Thật là việc tốt, Thái Sơ hãy thử xem, mắt trò cũng bị mờ, đúng lúc dùng đến.
Trương Ngạc đứng một bên cười thầm, thầm nghĩ:
“Giới Tử có thể nói là phục bút, tặng cho Cố Tế Tửu kính lão, sau này cho dù có người nói chúng ta bán kính cho học trò Quốc Tử Giám thì Cố Tế Tửu cũng sẽ chỉ biết cười trừ cho qua, đây vốn dĩ là giúp cho học trò Quốc Tử Giám được sáng mắt mà, chứ không phải bán “Kim Bình Mai” cho bọn họ.”
Cố Khởi Nguyên thử chiếc kính lão, quả nhiên không tệ, vô cùng khoái chí, nói với Trương Nguyên:
-Loại mắt kính này ở Tô Châu bán rất nhiều, nhưng giá lại rất đắt, một chiếc tốn đến hai lượng bạc, sao ta có thể nhận hậu lễ này của trò chứ, ngày mai ta sẽ cho người đem bạc qua cho trò.
-Lão sư hãy nhận chút tấm lòng của Trương Nguyên, đây là mắt kính do phường kính trong nhà học trò chế tạo, cứ cho đó là quà quê, sao dám nhận bạc của Cố Tế Tửu chứ.
Tiêu Pháp vê râu cười nói:
-Thái Sơ huynh, huynh thế này là làm khó Trương Nguyên rồi, đôi mắt kính này sáng hơn kính lão của phường kính ở Tô Hàng nhiều, chỉ độc có mỗi nhà này thôi, vậy cứ cho là lão hủ tặng cho Thái Sử huynh vậy, thế nào hả?
Cố Khởi Nguyên tuy thanh liêm nhưng học vấn thông đạt, biết rõ dị số, không phải người lạc hậu, bèn cười nhận lấy, cáo từ về Quốc Tử Giám trước. Cha con Tiêu Pháp ở lại nói chuyện với huynh đệ Trương Nguyên. Trương Nguyên lấy ra một chiếc kính viễn vọng đưa cho Tiêu Pháp. Ban đêm này không thể nhìn xa, Trương Nguyên liền giải thích cho Tiêu Pháp nghe, Tiêu Pháp ngạc nhiên nói:
-Đây là kính thiên lý, ta đã từng nghe Từ Tử Tiên nói qua, người phương Tây có thể tạo ra chiếc kính thần kỳ như thế này, trò không ngờ cũng có thể!
Tiêu Nhuận Sinh giải thích cho Trương Nguyên rằng Từ Tử Tiên chính là Từ Quang Khải, năm Vạn Lịch thứ hai mươi lăm, Tiêu Pháp làm quan chủ khảo thi hương ở phủ Thuận Thiên, từ những bài làm không trúng tuyển đã chọn lấy Từ Quang Khải làm người đứng đầu kỳ thi hương. Tiêu Pháp vì chuyện này mà bị giáng chức quan, khiến Từ Quang Khải rất cảm kích đức tính này của tọa sư Tiêu Pháp, nên anh ta thường xuyên viết thư hỏi thăm ông. Trương Nguyên nói:
-Chiếc kính thiên lý này chính là do phường kính viễn vọng do người phương Tây chế tạo ra, các lĩnh vực thiên văn, vật lý, số học của người phương Tây, với tư cách một học tử của Đại Minh, theo học trò thấy thì rất nên học tập theo ạ.