Chương 226: Đường không ánh đèn, cũng không có người sống
Tối nay trăng sáng sao thưa. Tôi nhìn ra ngoài cửa kính ô tô, làn sương bạc mờ nhạt phủ lên mấy cửa hàng trên lối đi bộ. Ánh trăng như nước, tạo cảm giác vô cùng thê lương, nặng trĩu tận đáy lòng.
"Cậu streamer, đã đến đường Vô Đăng rồi." Chú hói đỗ xe ở đầu đường, "Cần chú chở vào tận nơi không?"
"Đường bên trong không dễ đi, chú không cần đưa cháu vào." Tôi trả tiền xe cho chú hói, ai ngờ chú ấy lại khoát tay lia lịa.
"Tiền xe cháu cứ giữ, coi như chú tặng cho room livestream của cháu. Cháu làm livestream cũng rất vất vả, đi sớm về khuya, còn có thể bị đám anh hùng bàn phím nhục mạ mười tám đời tổ tông, lôi toàn bộ người thân ra chửi. Có đôi khi, chú cũng bất bình thay cháu, muốn đánh chết bọn não phẳng này." Bàn tay bác tài xẹt qua cái đầu hói "nhỏ bé", rất có loại cảm giác huy xích phương tù, chỉ điểm giang sơn* (rất ngầu).
(Chú thích: Huy xích phương tù, chỉ điểm giang sơn: 1 câu trong bài thơ Thấm viên xuân·trường sa của Mao Trạch Đông, ý chỉ người thanh niên nhiệt huyết trào dâng, sức mạnh tràn trề.)
Tôi cười cười, cố ý để tiền xe lại: "Số tiền này chú phải lấy, bằng không nếu như hôm nay cháu xảy ra chuyện ngoài ý muốn, chú cũng sẽ bị liên lụy."
Đặt tiền xe ở trên ghế cạnh tài xế, tôi mở cửa xe, nhìn ngắm khu phố cổ cũ nát. Ngày nay ở thành phố, phần lớn diện tích đều được quy hoạch để mở rộng các khu mới lại từ đầu, chỉ có khu phố cổ này mới là gốc rễ của Giang Thành.
"Cậu streamer! Add WeChat nào, sau này thường xuyên liên lạc." Chú hói cũng chạy theo tôi xuống xe, cầm theo 2 cái smartphone của mình: "QQ, WeChat, chú còn có một tài khoản Momo, hay là chúng ta follow nhau?"
"Đại ca, dính dáng đến cháu nhiều quá không có chỗ tốt nào cho chú, vẫn là câu nói cũ, sau này đừng xem livestream của cháu nữa. " Tôi cười khổ: "Thực ra rất nhiều cảnh mọi người đã xem trong livestream cũng không phải hư cấu, trong đó hầu hết chúng đều thật sự tồn tại, như thi thể tanh mùi máu, thằng biến thái cuồng loạn mất trí, và lũ quỷ hồn chẳng biết bám theo sau lưng từ lúc nào."
"Hiểu, trong lòng chú rõ ràng, đây là chuyện nội bộ của bọn cháu." Chú hói ra vẻ như nơi này im lặng là vàng, chuyện gì cũng không được nói: "Cháu nói cái gì thì chính là cái đó, được chưa? Chú chỉ add WeChat, không quá đáng chứ?"
Khi chưa nếm trải nỗi sợ thực sự, e rằng một người sẽ mãi mãi không tin lời của tôi, rõ ràng mỗi lần bắt đầu livestream tôi đều cảnh báo, nhưng từ xưa tới nay chưa từng có ai để ở trong lòng.
Không chịu nổi chú hói lải nhải, tôi chia sẻ WeChat của mình, thêm bạn bè với chú ấy.
"Khoái Nhạc Điên Phong? Streamer, cái tên này của cháu thực ngông nha!"
"Đại ca, đi nhanh đi, cháu còn có chính sự phải làm. " Thực ra, thêm chú hói thành bạn bè cũng có rất nhiều chỗ tốt đối với tôi. Khi tôi ở trong tình huống không cách nào thoát khốn, tôi có thể gọi chú ấy xin giúp đỡ, nhờ chú ấy phân tích từ góc độ của một người ngoài cuộc.
Chỉ là, tôi lo lắng hai chuyện. Thứ nhất, tôi sợ chú ấy tiết lộ ra tin tức của tôi; thứ hai, tôi sợ chú ấy vì dính dáng với tôi nên bị Âm Gian Tú Tràng hoặc kẻ thù khác để mắt tới. Xa không nói, chỉ một mình Giang Thần cũng có đủ biện pháp chơi chết chú ấy.
Đi ra xa mười mấy mét, tôi quay đầu nhìn lại thì thấy chiếc xe taxi vẫn đỗ tại chỗ cũ. chú hói đang mở cốp xe lên để kiểm tra.
"Chuyện gì đã xảy ra? Lúc mình tới, cả đoạn đường đâu có chuyện gì?" Tuy cảm thấy nghi hoặc, nhưng tôi cũng không quá để ở trong lòng, bước nhanh vào đường Vô Đăng.
Sau 11:00 đêm, chỉ còn lại một màu đen kịt trong con ngõ nhỏ rắc rối chằng chịt. Đa phần cư dân nơi này đều là dân Giang Thành gốc, rất ít người có thói quen sống về đêm.
Ánh trăng chiếu trên mặt đất, tuy trong ngõ nhỏ không đèn, nhưng cũng không ảnh hưởng quá lớn đến tôi. Livestream vài lần, tôi đã quen với bóng tối rồi.
Đi vào sâu trong ngõ nhỏ, dựa theo trí nhớ lúc trước, tôi tìm được cửa hàng bán vàng mã mà mình từng thấy khi lần đầu tiên tới đường Vô Đăng.
Cửa cuốn mở phân nửa, có thể thấy loáng thoáng nhà giấy, ngựa giấy, vòng hoa phúng điếu bên trong.
Gõ nhẹ cửa, tôi ngồi xổm người xuống chui vào trong cửa hàng: "Làm phiền rồi."
Bên trong nhà có một ông cụ đã hơn 70 tuổi ngồi trên ghế dựa đang miệt mài làm người giấy. Thời trước, nghề này của ông cụ có một cái tên đặc biệt – trát chỉ tượng *(thợ làm hàng vàng mã).
Tôi đến thăm đêm khuya thế này mà ông cụ chỉ ngẩng đầu nhìn tôi, sau đó lại tiếp tục công việc: "Cháu tới trả dù à?"
Được ông cụ nhắc nhở một câu như vậy, tôi sực nhớ ra. Khi tôi mới đến đường Vô Đăng, bên ngoài trời tối mịt, mưa như trút nước, ông cụ từng cho tôi mượn một cây dù đen dùng để viếng mộ vào Tiết Thanh minh.
"Ông ơi, cháu cho người khác mượn lại cây dù đó rồi. Hay ông ra cái giá, cháu đền tiền cho ông được không ạ? "
Tôi đang muốn móc ví tiền ra, ông cụ lại xua tay ngăn cản: "Ông không cần tiền của cháu, cháu không có thứ tiền ông muốn."
"Ông nói vậy là sao ạ?" Đột nhiên, tôi cảm thấy lời của ông cụ lộ vài phần huyền cơ. Nghĩ thế, tôi chau mày, không vội ra khỏi căn nhà này.
Ông cụ làm người giấy xong, một bé gái trắng trẻo mập mạp xuất hiện ở trong tay. Nó vẫn chưa được tô màu, nhìn có vẻ ghê ghê:
"Thanh Minh mưa phũ tóc thề
Đoạn hồn, lạc phách, người về Âm Gian.
Cây dù mà ông cho cháu mượn là đồ cho người chết dùng. Cháu trả tiền cho ông, cũng phải đưa cho ông loại tiền người chết tiêu được."
Ông cụ đọc bài thơ ấy nghe có vẻ quái dị, tôi bất đắc dĩ cười: "Ông ơi, cháu cũng không có tiền cho người chết, cháu đã đưa cây dù cho một bà cụ rồi. Đêm hôm đó, bà ấy tìm kiếm cháu mình ở trong ngõ nhỏ. Cháu thấy bà ấy không nơi nương tựa, thật đáng thương, bèn cho bà ấy cây dù."
Ông cụ lấy một cái rương lớn khá cổ từ dưới bàn gỗ, mở ra. Bên trong là đủ loại nước màu. Không giống với mấy loại nước màu hiện đại làm từ hóa chất công nghiệp, những thứ nước màu này bốc mùi kỳ lạ, cũng không biết pha chế từ nguyên liệu gì.
"Cháu không trả được thì quên đi, cần gì hư cấu ra một bà lão tâm thần không có thực?" Ông cụ dùng bút lông chấm nước màu để tô màu cho bé gái người giấy, thủ pháp thành thạo, kỹ năng tô màu rất cao.
"Ông ơi, những lời cháu nói đều là sự thật." Tôi kể từ đầu chí cuối chuyện mình gặp bà lão tâm thần cho ông cụ. Phản ứng của ông ấy rất bình thản, cứ như một đầm nước sâu vĩnh viễn nhìn không thấy đáy.
"Ông sống ở khu phố cổ này đã 50 - 60 năm cũng chưa từng gặp bà lão tâm thần mà cháu kể, chỗ này không có người đó." Trong khi nói chuyện ông cụ đã làm xong bé gái bằng giấy. Động tác của ông rất mềm mại. Ông đặt mấy thanh tre bên trong người giấy bé gái để làm giá đỡ, cuối cùng đem ra phơi ở trước cửa.
So với lần đầu tiên, thái độ của ông cụ đối với tôi đã có cải thiện rất lớn, điều này khiến tôi cảm thấy đây là một cơ hội.
Ông cụ đã sống ở đường Vô Đăng mấy chục năm, khẳng định hiểu rõ nơi này hơn tôi nhiều.
"Ông ơi, ông đã sống ở đường Vô Đăng này lâu như vậy, có từng nghe tin đồn gì không ạ?" Tôi lựa chọn từ ngữ cẩn thận, điều kiện tiên quyết ở đây là không khiến ông cụ tức giận, cẩn thận hỏi: "Trên mạng có rất nhiều truyền thuyết về nơi này, nào là đèn đường vừa lắp thì ngày thứ hai chắc chắn hỏng. Xe đạp điện đêm khuya đi ngang qua nơi này cũng đột nhiên hết điện. Đáng sợ nhất, nếu đêm hôm khuya khoắt bị lạc trong ngõ nhỏ, thỉnh thoảng gặp phải “người” nhưng chưa chắc đã là người."
Nghe xong lời của tôi, ông cụ bèn buông người giấy trong tay xuống, thản nhiên liếc mắt nhìn tôi: "Gặp người không phải người, vậy là cái gì?"
Ông cụ hỏi ngược như thế, cũng khiến tôi không biết nên trả lời như thế nào: "Cháu chỉ nói mấy cái tin vỉa hè, xin ông đừng giận."
"Mạng miếc toàn xuyên tạc bậy bạ , chỗ này buổi tối không có đèn đường là vì mạng điện đèn đường bị xuống cấp. Hơn nữa, nơi này sắp bị di dời, cho nên không có ai đi sửa. Toàn diện quy hoạch các khu ở thành phố, phố cổ là hạng mục di dời trọng điểm, Giang Thành này sắp sửa không còn cái tên Giang Thành nữa rồi." Ông cụ hơi cảm thán, đặt bút lông lên rương gỗ: "Thời đại khác nhau, cả đời bà làm hàng mã, giờ chỉ hy vọng ngày ông đi xa, có người đốt đồ giấy lo ma chay cho ông."
"Ông ơi, thân thể ông khỏe mạnh, dư sức sống đến trăm tuổi."
"Đi sớm hay muộn cũng vậy thôi mà, rồi cũng phải đi." Ông cụ nhìn tôi đầy ẩn ý: "Ông cũng không cần cháu trả lại cây dù, nhanh đi làm chuyện cháu nên làm."
"Chuyện nên làm?" Hai tay tôi ôm quyền: "Mong ông chỉ rõ."
"Chuyện cháu nên làm, chỉ bản thân cháu biết. Ông chỉ là một ông già làm hàng mã, sắp xuống lỗ rồi, sao có thể chỉ rõ cho cháu? " Nói xong ông cụ đứng dậy liếc nhìn đồng hồ treo tường, thắp hai cây sáp ong, tắt đèn trong nhà.
Ông cụ cầm người giấy bé gái vừa làm xong đi trên đường Vô Đăng, sau đó châm lửa đốt người giấy thành tro bụi: "Tiễn vong!"
Giọng của ông cụ mang theo ẩn ý kỳ lạ, đợi tro tàn tung bay trong gió, ông cụ vỗ vỗ bả vai của tôi: "Sau này cháu nên bớt đi tới đường Vô Đăng. Người chết như đèn tắt. Đường này không có ánh đèn, nên không có người sống đâu."
Ông cụ nói xong bèn ho hai tiếng, lọm khọm bước vào nhà, đóng cửa hàng.
"Đường này không có ánh đèn, nên không có người sống ư?" Tôi đứng trơ trọi trong ngõ hẻm chằng chịt, không nhớ rõ mình tới đây bằng lối nào.