Mặc dù trước kia Lý Đại Thành chạy nạn chịu khổ rất nhiều, nhưng những năm gần đây sống an nhàn sung sướng, lại có Đại Nha dùng nước từ ánh trăng âm thầm điều dưỡng, bây giờ ông có vẻ tuấn tú nhã nhặn, mang phong thái thư sinh.
Đứng cạnh Lưu thị giống như đóa hoa nhài cắm bãi phân trâu, chỉ là đóa hoa này là nam nhân, lại là ông lão gần năm mươi tuổi.
Nghe nói, năm đó Lưu thị thích gương mặt của Lý Đại Thành mới ầm ĩ đòi chết đòi sống gả cho ông.
Không thì một người chạy nạn từ nơi khác đến, không có gì cả sao có thể cưới được nữ nhi của Lưu gia rất có thế lực ở đây.
Mấy người con trai của Lý Đại Thành đều có dáng dấp giống cha, cưới thê tử không tính là khó coi, cho nên sinh con ra không xấu, tướng mạo cũng hơn hẳn người bình thường.
Đại Nha sờ mặt mình cảm thấy vô cùng hài lòng.
Trong thời loạn thế, xinh đẹp chính là lá bùa đòi mạng, xấu quá thì nàng không chấp nhận được, như thế này là tốt nhất.
Nghe nói Đại cô cô mất sớm giống Lưu thị, nhưng người cô cô này qua đời khi Đại Nha còn chưa được sinh ra, không biết là thật hay giả.
Mà ấn tượng duy nhất của Đại Nha đối với cô cô này là ngày mồng hai tết mỗi năm, Lưu thị sẽ ở trong phòng khóc lóc không gặp ai cả...
Bởi vì ở trấn Hạ Hà, ngày mùng hai tết là ngày nữ nhi đã xuất giá về nhà mẹ đẻ.
Bữa ăn sáng hôm nay là bánh hấp, cháo khoai lang và củ cải muối.
Lưu thị nắm chắt quyền quản lý lương thực trong nhà, đồ ăn do chính bà chia.
Đại Nha được chia một chiếc bánh hấp và nửa bát cháo khoai lang, bên trong lỏng lẻo gần như là nước.
Nàng nhìn chén của Nhị Ngưu, có vẻ nhiều hơn của mình.
Nhị Nha và Tam Ngưu nhỏ tuổi, được chia nửa chiếc bánh hấp và nửa chén cháo, Tam Ngưu còn có trứng gà ăn.
Nhị Nha nhỏ hơn Tam Ngưu một tuổi, chỉ có thể thèm thuồng nhìn Tam Ngưu ăn trứng gà, nhưng bé lại không dám khóc.
Đại bá nương Vương thị cúi đầu, múc từng muỗng cháo cho Nhị Nha, dỗ con bé: "Nhị Nha thích ăn cháo khoai lang nhất phải không? Cháo khoai lang rất ngọt đấy."
Cơm nước xong xuôi, Lý Đại Thành vội đi y quán, Lý Trọng Hải và Lý Thúc Hà đi xem ruộng đồng.
Vương thị, Trần thị và Cố thị phải vội đi dệt lụa, cho gà ăn, nhổ cỏ trong vườn rau, giặt quần áo làm những chuyện vặt vãnh.
Tóm lại người lớn đều có việc làm.
Bọn trẻ con không có việc làm, Nhị Ngưu đề nghị đi đến bờ sông đào rễ cỏ tranh.
Cỏ tranh là một loại cỏ dại phổ biến, phần rễ có thân rửa sạch có thể ăn, vị hơi ngọt, là món ăn vặt trẻ con rất thích ăn.
Trừ cái đó ra, rễ cỏ tranh phơi khô có thể làm thuốc, có tác dụng thanh nhiệt, cầm máu hiệu quả.
Có thể trị bệnh phù thũng, nóng sốt vàng da các loại.
Có khi y quán thiếu loại dược liệu này, Lý Đại Thành sẽ bảo Nhị Ngưu và Đại Nha giúp ông đào một chút mang về.
Đại Nha không muốn đi đến bờ sông, mấy hôm trước Lý Đại Thành đã đồng ý dạy chữ cho nàng.
Nàng vừa học xong bài trong cuốn , đang lẩm bẩm nhớ lại ‘Nhất nhật chi kế tại vu thần’ (Một vài hành động nhỏ vào buổi sáng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe).
Nàng định thừa dịp lúc này mà ôn lại một chút.
Ở sương phòng phía Tây có một đống đất nhỏ do chính Đại Nha đập nát, nhà bọn họ không xa xỉ đến mức dạy trẻ con học chữ dùng bút mực nghiên giấy.